Skip Navigation LinksChiTiet

Quy hoạch

Xem với cỡ chữAA

Định hướng quy hoạch tổng thể xây dựng đảo Phú Quốc

(2019-02-27 13:44:00)

https://youtu.be/AjQCXOYjWdA

* Định hướng quy hoạch hệ thống đô thị .

1. Cơ sở hình thành các đô thị :

- Là nơi ở của các lao động và dân cư phục vụ phát triển ngành du lịch.

- Là nơi tổ chức các hoạt động dịch vụ phục vụ dân sinh và du lịch.

- Một số ít đô thị như Dương Đông, An Thới có thể phát triển các cụm công nghiệp phục vụ chế biến thuỷ sản, nông sản, vật liệu xây dựng và các sản phẩm du lịch.

- Quy mô dân số đô thị Phú Quốc dự kiến khoảng 150- 180 ngàn dân tới năm 2020.

2. Cơ cấu tổ chức không gian

Không gian xây dựng đô thị và các khu du lịch tập trung được xác định tại khu vực phía Nam với các lý do sau đây:

- Là khu vực ít nhạy cảm về môi trường

- Hiện khu vực này đã tập trung xây dựng đô thị và cơ sở hạ tầng chủ yếu khác của đảo Phú Quốc.

- Có quỹ đất xây dựng thuận lợi do bằng phẳng, ít phức tạp, sử dụng cho mục đích nông nghiệp ít có hiệu quả.

Khu vực phía Bắc là khu vực nhạy cảm về môi trường với rừng cấm quốc gia có diện tích lớn chỉ phát triển các đô thị quy mô nhỏ như Cửa Cạn, Gành Dầu và các trung tâm xã như Bãi Thơm.

Dự kiến tại Phú Quốc sẽ có 7 đô thị vào năm 2020, trong đó 2 đô thị hiện hữu phát triển là Dương Đông và An Thới, 3 khu đô thị được nâng cấp từ trung tâm xã là Hàm Ninh, Cửa Cạn, Gành Dầu và 2 khu đô thị mới tại Dương Tơ .

* Các trung tâm xã này sẽ trở thành thị trấn sau 2010.

3. Định hướng phát triển các đô thị Phú Quốc :

(a) Thị trấn Dương Đông:

- Tính chất là trung tâm hành chính, dịch vụ tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, thương mại, du lịch , công nghiệp .v.v….

- Trong khu vực đô thị vừa phát triển các khu du lịch ven biển vừa phát triển các khách sạn đô thị.

- Cụm công nghiệp Dương Đông dự kiến quy mô 50 ha nhằm để di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm trong các khu dân cư và phát triển các cơ sở công nghiệp xây dựng , công nghiệp phục vụ du lịch.v.v…

- Quy mô dân số sẽ tăng từ 29 ngàn hiện nay lên 55- 65 ngàn vào năm 2020.

- Đất đai xây dựng dự kiến khoảng 700- 800 ha.

- Hướng phát triển của đô thị về phía Bắc và phía Đông.

(b) Thị trấn An Thới

- Tính chất cửa ngỏ giao thông đường biển, phát triển du lịch và dịch vụ và là cơ sở Quốc Phòng quan trọng của Phú Quốc.

- Dân số thị trấn hiện nay khoảng 18 ngàn sẽ tăng lên 30- 40 ngàn vào năm 2020 và là đô thị lớn thứ 2 của đảo.

- Đất đai xây dựng dự kiến khoảng 450- 500ha

- Hướng phát triển đô thị về phía Bắc gắn với các ấp 4,6 và 7.

(c) Các thị trấn được nâng cấp từ các trung tâm xã hiện hữu

- Các trung tâm xã Hàm Ninh, Cửa Cạn, Gành Dầu sẽ trở thành các thị trấn dịch vụ cho dân cư và du lịch.

- Quy mô dân số từ 5- 10 ngàn với diện tích đất đai xây dựng khoảng 70- 150ha mỗi thị trấn.

(d) Các đô thị mới

Dự kiến phát triển tại khu vực Dương Tơ là nơi tập trung nhiều khu du lịch quy mô lớn tại Bãi Trường, Bãi Sao, Bãi Khem, Bãi Đất Đỏ .v.v… Đây cũng là khu vực có nhiều quỹ đất xây dựng thuận lợi nằm trong khu vực ít nhạy cảm về môi trường. Các đô thị mới dự kiến phát triển là đô thị Suối Lớn và đô thị Đường Bào.

- Đô thị mới Suối Lớn nằm về phía Nam núi Vô Hương. Ngoài tính chất dịch vụ du lịch, đô thị này gắn với cảng và cụm công nghiệp Vịnh Đầm. Quy mô dân số của đô thị này dự kiến khoảng 30 ngàn dân tới năm 2020.

- Khu đô thị mới Đường Bào gắn với sân bay Dương Tơ và các khu du lịch phía Bắc Bãi Trường và trung tâm du lịch Dương Tơ. Quy mô dân số dự kiến khoảng 10 ngàn dân tới năm 2020. Vị trí xây dựng nằm phía Nam núi Mặt Quỷ và phía Bắc núi Dương Tơ. Diện tích xây dựng khoảng 140 ha.

* Định hướng quy hoạch các khu dân cư nông thôn

1. Định hướng quy hoạch các làng chài ven biển

Các làng chài ven biển sẽ được tổ chức lại theo các cụm tập trung tại các cửa rạch. Các cửa này sẽ được nạo vét và xây dựng các kè chắn sóng đảm bảo cho các tàu thuyền hoạt động quanh năm. Hoạt động của các làng chài sẽ kết hợp thêm các dịch vụ cho khác du lịch như cho mướn thuyền, câu, chở thuê để câu cá, mực.v.v…

Các làng chài này cần được xây dựng kết cấu hạ tầng như các khu đô thị để đảm bảo mỹ quan và vệ sinh môi trường.

2. Định hướng quy hoạch các khu dân cư nông thôn

Dân cư nông thôn tại Phú Quốc sẽ có xu hướng giảm dần do các nguyên nhân sau đây:

- Diện tích đất đai nông nghiệp sẽ có xu hướng giảm do đưa vào sử dụng trong mục đích xây dựng khu du lịch, khu đô thị và cơ sở hạ tầng

- Các hộ nông nghiệp có xu hướng tích tụ đất đai canh tác để sản xuất hàng hoá với năng suất cao.

- Các ngành dịch vụ đang thu hút lao động chuyển từ ngành nông nghiệp.

Với xu hướng trên, dân cư nông thôn sẽ được tổ chức lại theo định hướng sau đây:

- Tập trung thành từng cụm để xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu dân cư trên cơ sở thu hút các hộ đang sống lẻ tẻ trong rừng.

- Bám theo các tuyến giao thông để vừa kết hợp làm nông nghiệp vừa làm dịch vụ.

Để không làm cản trở giao thông, dân cư nông thôn ven đường phải được tổ chức lại tại một số điểm thuận lợi như là các điểm dừng của du khách.

* Định hướng quy hoạch các khu du lịch.

1. Các loại hình du lịch tại Phú Quốc:

Theo đánh giá của các chuyên gia Tổng cục Du lịch Việt Nam, tại Phú Quốc có thể phát triển khá nhiều loại hình du lịch khác nhau, trong đó du lịch theo các sở thích chung như nghỉ dưỡng và tắm biển có điều kiện thuận lợi và tiềm năng phát triển nhất. Bên cạnh đó các loại hình du lịch đặc biệt theo sở thích riêng cũng có thể phát triển nhiều loại hình tại Phú Quốc (xem bảng 11).

2. Cơ cấu phân bố không gian khu du lịch Phú Quốc.

(a) Các cổng du lịch chính:

+ Cổng đường hàng không

- Tới năm 2010-2012: cổng hàng không Dương Đông

- Sau năm 2010-2012: cổng hàng không Dương Tơ

+ Cổng cho các tàu biển:

- Cổng chính cho các tàu lớn: Bãi Đất Đỏ

- Cổng cho các tàu từ đất liền : An Thới, Dương Đông, bãi Vòng, Vịnh Đầm.

- Cổng du lịch gắn với Campuchia : Gành Dầu.

(b) Phát triển trung tâm du lịch:

Trung tâm du lịch được xác định là nơi xây dựng các các cơ sở dịch vụ phục vụ cho khách du lịch như tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, thông tin liên lạc, trung tâm thương mại, ẩm thực, bệnh viện.v.v… Trong tương lai, khi Phú Quốc có cơ hội trở thành trung tâm giao thương quốc tế, các trung tâm du lịch này sẽ trở thành các đầu mối giao dịch quan trọng của đảo.

Dự kiến Phú Quốc sẽ xây dựng 2 trung tâm du lịch lớn tại Dương Đông (khu vực sân bay hiện hữu) và Dương Tơ nơi có vị trí gần 2 cổng chính của đảo về hàng không và đường biển.

(c) Phát triển các khu du lịch tại các khu vực có nhạy cảm về môi trường

Khu vực nhạy cảm về sinh thái bao gồm toàn bộ Bắc và trung đảo gồm các xã Cửa Cạn, Cửa Dương, Gành Dầu, Bãi Thơm, phần phía Bắc xã Hàm Ninh và các đảo Nam An Thới. Mục tiêu của các khu du lịch này là xây dựng các khu du lịch sinh thái và nghĩ dưỡng chất lượng cao. Số lượng khách du lịch lưu lại khu vực này không lớn. Định hướng quy hoạch xây dựng các khu du lịch tại các khu vực này như sau:

- Các khu du lịch xây dựng theo mô hình khu du lịch sinh thái. Mật độ xây dựng tối đa 20% trong phạm vi đất đai các dự án xây dựng và phát triển khu du lịch. Các khu du lịch lớn bao gồm khu du lịch Cửa Cạn, Vũng Bầu, Bãi Dài, bãi Rạch Vẹm, bãi Tràm, bãi Thơm và các bãi nhỏ khác.

- Quy mô đất đai xây dựng du lịch tuỳ thuộc vào khả năng đất đai của từng bãi cát ven biển. Tầng cao xây dựng các công trình tối đa 3 tầng- dưới ngọn cây dừa là loại cây thích hợp và đang trồng nhiều tại các bãi biển Phú Quốc.

- Trong tổng số phòng phát triển du lịch tại Phú Quốc tới năm 2020, khu vực Bắc đảo dự kiến xây dựng khoảng 5.000 phòng chiếm khoảng 25-30% số phòng của toàn đảo. Trong số này dự kiến xây dựng số phòng khách sạn lớn là khu du lịch Cửa Cạn, Gành Dầu và Bãi Dài, các bãi khác quy mô ít hơn.

- Khu vực Bãi Thơm

Các bãi nhỏ khác tại khu vực đồi ông Lang, ven các núi tại Gành Dầu, Cửa Cạn và Bãi Thơm cũng như các làng du lịch, các khách sạn độc lập xây dựng trong các đô thị tương lai tại Của Cạn, Gành Dầu ở khu vực phía Bắc dự kiến khoảng 1.000 phòng chiếm 20% so với số phòng xây dựng tại khu vực Bắc đảo. Các làng biệt thự du lịch đón các loại khách Châu Â, Bắc Á để tránh mùa rét cũng như phục vụ loại khác du lịch homstays v.v…dự kiến xây dựng tại khu vực biển phía Đông từ ấp Rạch Hàm tới Bãi Thơm.

Dự kiến đất đai để xây dựng các khu du lịch Bắc đảo khoảng 400 – 420 ha, trong đó đất đai cho các dự án du lịch khoảng 250 ha và đất đai xây dựng cơ sở dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật , công viên .v.v…khoảng 150- 180ha (xem bảng).

(d) Phát triển du lịch tại các khu vực ít nhạy cảm về môi trường:

Bao gồm khu vực phía Nam : thị trấn Dương Đông, An Thới , xã Dương Tơ và phần phía Nam Hàm Ninh. Các khu du lịch lớn phát triển tại khu vực này bao gồm khu vực Bà Kèo, Cửa Lấp, Bãi Trường, Bãi Đất Đỏ, Bãi Khem, Bãi Sao , Bãi Vòng và các bãi nhỏ khác ven biển.

Trừ khu vực Bà Kèo- Cửa Lấp xây dựng theo mô hình du lịch sinh thái, các bãi khác cho phép xây dựng khu du lịch tập trung, cao tầng với các tỷ lệ thích hợp, trong đó khu du lịch sinh thái chiếm ít nhất 50% quỹ đất xây dựng khu du lịch. Các khu trung tâm du lịch cho phép xây dựng các tổ hợp khách sạn cao tầng để tạo điểm nhất kiến trúc cho các khu du lịch.

Các bãi khác, đặc biệt là khu vực mũi Xép, mũi Tàu Rũ, mũi ông Đội, mũi An Yến.v.v…có thể phát triển các resort quy mô nhỏ hơn.

Trong khu vực phía Nam có thể phát triển các làng du lịch tại Bãi Vòng, khu vực Dương Tơ, An Thới.v.v…

Bên cạnh xây dựng các khu du lịch ven biển, khu vực phía Nam còn xây dựng các khách sạn nằm trong các đô thị tại Dương Đông, An Thới và trong các đô thị mới sẽ phát triển tại Dương Tơ sau này.

Đất đai dự kiến dành để phát triển du lịch tới năm 2020 khoảng 1300- 1400 ha, trong đó đất du lịch khoảng 650 ha và đất đai xây dựng các cơ sở dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật và cây xanh khoảng 650-700ha (xem bảng).

(e) Phát triển du lịch tại các đảo phía Nam An Thới

Các đảo phía Nam An Thới thuộc xã Hòn Thơm hiện có khoảng 632 hộ với trên 2.400 dân. Dân cư tập trung chủ yếu tại Hòn Thơm và 1 phần ít tại Hòn Giỏi.

Các đảo Nam An Thới chủ yếu dành cho du lịch sinh thái với các loại hình như:

- Tham quan các đảo nhỏ

- Lặn biển, tham quan nghiên cứu các rạn san hô

- Câu cá, mực ở khu vực Hòn Thơm

Không khuyến khích phát triển xây dựng các khách sạn trên các đảo mà chỉ xây dựng các cơ sở dịch vụ là chủ yếu.

(f) Định hướng quy hoạch các khu vui chơi giải trí

Đất đai của Phú Quốc tại các khu vực ít nhạy cảm về sinh thái còn khá lớn do đó có thể xây dựng các sân golf, trường đua.v.v…nhằm tạo cho Phú Quốc thị trường du lịch phong phú đa dạng với chất lượng cao.

- Dự kiến quy hoạch 3 sân golf tại Phú Quốc gồm các sân golf An Thới, Cửa Cạn và Bãi Dài với diện tích khoảng 400- 500ha.

- Các trường đua dự kiến xây dựng tại khu vực An Thới và Dương Tơ là trung tâm các khu du lịch lớn như Bãi Sao, Bãi Khem, Bãi Đất Đỏ, Bãi Trường .v.v… Diện tích các trường đua khoảng 80-100 ha.

(g) Định hướng quy hoạch các điểm du lịch văn hoá, lịch sử.

Các di tích lịch sử, cách mạng và các điểm danh lam thắng cảnh của Phú Quốc có khá nhiều. Cần thiết khai thác các cơ sở này phục vụ cho mục địch phát triển du lịch. Bên cạnh việc giữ gìn, duy tu, bảo dưỡng và tôn tạo các di tích, cần thiết phải quy hoạch các khu vực công cộng như bãi để xe, nơi bán hàng lưu niệm và các dịch vụ khác. Các công trình cần quy hoạch khu bên ngoài di tích là:

- Đền thờ Nguyễn Trung Trực tại trung tâm xã Gành Dầu

- Nhà lao Cây Dừa tại An Thới

- Dinh Cậu tại Dương Đông

- Đình thần Dương Đông

- Chùa Sư Môn

Bên cạnh như di tích trên Phú Quốc còn có nhiều điểm di tích lịch sử –văn hoá khác như : giếng Gia Long, Tảng đá Ngai Vua, Mộ Hoàng tử Cảnh, Dấu giày vua Gia Long, mũi Ông Đội, Lăng mộ bà tướng Lê Kim Định.v.v… Các điểm này cũng cần được quy hoạch để tôn tạo nhưng cũng tạo thuận lợi cho khách du lịch tới thăm vếng dễ dàng và có được các dịch vụ cần thiết.

(h) Định hướng quy hoạch các khu vực lễ hội .

Trên đảo Phú Quốc có các lễ hội truyền thống có giá trị như Lễ hội thờ thần nước bà Thuỷ Long Khánh Mẫu (ngày 20/11), Lễ hội Dinh thờ tự bộ xương cá Ong, lễ hội Sùng Hưng Cổ Tự (30/7), lễ tưởng niệm anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (27/8).v.v… Ngoài ra còn có các lễ Đình thần Dương Đông được coi là ngày tết riêng của địa phương.

Cần duy trì và nâng cao các hoạt động lễ hội phục vụ du lịch. Các cơ sở tổ chức lễ hội cần được quy hoạch chi tiết để xác định quy mô đất đai phục vụ cho các lễ hội.

(i) Định hướng quy hoạch các khu vực danh lam, thắng cảnh.

- Các danh lam thắng cảnh tự nhiên tại Phú Quốc có khá nhiều như thác Đá Bàn, Suối Tiên.v.v… Các khu vực tự nhiên này cần được giữ gìn trong trạng thái tự nhiên, không cần xây dựng thêm các công trình kiến trúc tại khu vực này, ngoại trừ các công trình dịch vụ cần thiết nhất cho khách du lịch.

- Các cảnh quan khác xen giữa biển và các mũi núi cần được khai thác trên cơ sở tạo các điểm thưởng ngoạn nằm tại khu vực định cao của đường hậu cần du lịch.

- Khu vực đỉnh cao Núi Chùa trên dãy Hàm Ninh có độ cao khoảng 560m với diện tích đất tương đối bằng phẳng khoảng 30-40ha. Từ đỉnh núi này có thể quan sát các khu vực khác nhau của đảo cũng như có tầm nhìn xa tới khu vực biển đảo xung quanh. Tại đây có khả năng khai thác thành điểm nhìn, quan sát cho các khách du lịch đồng thời tận hưởng không khí mát mẻ trên đỉnh núi cao này.

(j) Khu vực vui chơi có thưởng:

Là một nhu cầu gắn với du lịch, các khu vực vui chơi có thưởng dự kiến quy hoạch tại khu vực Núi Chúa trên dãy Hàm Ninh hoặc khu vực Hòn Thơm là 1 đảo phía Nam An Thới. Ngoài ra cho phép các khu du lịch cao cấp mở các trò chơi quy mô nhỏ.

* Định hướng quy hoạch cơ sở hạ tầng đảo Phú Quốc

1. Định hướng quy hoạch giao thông

(a) Giao thông đường thuỷ.

- Hoàn chỉnh cảng An Thới và Dương Đông theo dự án đã được phê duyệt thành các cảng tổng hợp phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống trên đảo. Xây dựng thêm kè chắn sóng Dương Đông tạo điều kiện cho tàu thuyền đánh bắt cá của nhân dân neo đậu vào mùa sóng lớn.

- Xây dựng mới cảng Mũi Đầm trên cơ sở xây dựng đê chắn sóng từ Mũi vịnh Đầm. Đê này có chiều dài gần 1km, cao khoảng 5m. Đê chắn sóng này sẽ thay dự án mở rộng cửa sông để tàu tránh sóng lớn neo đậu đã được phê duyệt trước đây. Cảng này trở thành cảng tổng hợp sử dụng quanh năm và nơi tránh sóng lớn cho các tàu thuyền trên bờ phía Đông đảo.

- Xây dựng cảng du lịch nước sâu tại mũi Đất Đỏ. Cảng này vừa phục vụ nhu cầu cho các tàu du lịch quốc tế lớn vừa phục vụ nhu cầu giao thương quốc tế và khu vực trong tương lai.

- Các trung tâm đánh bắt hải sản lớn như Hàm Yên, Cửa Cạn, Bãi Thơm, Gành Dầu.v.v.. xây dựng bến đánh bắt hải sản kết hợp cho các tàu du lịch neo đậu.

- Xây dựng bến du lịch để giao lưu du lịch và giao thương với Campuchia tại Gành Dầu.

(b) Định hướng quy hoạch giao thông đường bộ.

+ Mạng lưới đường chính: phục vụ các nhu cầu của đảo kết hợp an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, trong tương lai mạng lưới này phục vụ nhiều nhất trong việc chuyên chở khách du lịch từ khu vực này tới khu vực khác. Mạng lưới này dự kiến quy hoạch như sau:

- Xây dựng tuyến đường trục của đảo từ An Thới đi Dương Đông theo tuyến trong sau đó nối với đường Dương Đông- Bãi Thơm, Gành Dầu. Đoạn từ ngã ba Bãi Thơm- Gành Dầu tới An Thới xây dựng đường cấp 3 đồng bằng phục vụ phát triển kinh tế đặc biệt là du lịch của Phú Quốc. Mặt cắt ngang đường này là 7,5mx2, giải ngăn cách giữa rộng 5m, giải cách ly 2 bên 10mx2, lộ giới khoảng 40-45m (cắt 3-3). Chiều dài tuyến này khoảng 49km. Từ đường trục này có các nhánh đi tới các khu du lịch trên đảo.

- Xây dựng đường hậu cần du lịch chạy ven đảo từ An Thới qua Mũi Đất đỏ sau đó đi Dương Đông, Cửa Cạn, Gành Dầu, vòng núi Hàm Rồng, Núi Chao tới vành mũi Đá Chồng đi Hàm Ninh, Bãi Vòng mặt đường 7,5m, giải cách ly 2 bên 10mx2, lộ giới 27-30m. Tuyến này có chiều dài khoảng 150km đi song song với bờ biển cách bờ biển tại các bãi du lịch từ 500- 1000 m nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển các khu du lịch.

- Xây dựng tuyến đường trung tâm đô thị và du lịch từ An Thới qua Dương Tơ tới Dương Đông: mặt đường 7,5x2, dải ngăn cách giữa 5m trồng cây lớn tạo bóng mát, vỉa hè mỗi bên 10m, lộ giới 42m.

+ Các loại đường khác:

- Đường xã, đường nông thôn cần có mặt đường rộng 3- 3,5 m, cách mỗi 100 m cần làm đoạn tránh rộng 6 m, dài 15 m, đoạn đi qua đô thị đường cần có kết cấu tráng nhựa để bảo đảm vệ sinh đô thị. Toàn bộ cầu qua các sông rạch cần được bê tông hóa tạo điều kiện cho nhân dân đi lại sinh hoạt thuận tiện, các cháu học sinh đi học dễ dàng .

- Đường Đô Thị : Mạng lưới đường trong các đô thị như thị trấn, trung tâm xã cần được xây dựng theo quy hoạch đã được duyệt, mặt đường được nhựa hóa và trên vỉa hè cần có đèn chiếu sáng, cây bóng mát và lát gạch tạo thuận tiện cho người đi bộ, có hệ thống thoát nước tốt ,mặt đường 7-12m, vỉa hè rộng trên 6m.

- Các đường phục vụ du lịch và đường chính đảo khi đi qua trung tâm xã thị trấn và khu du lịch, bãi tắm cần được thiết kế thành đường tránh dành cho xe quá cảnh.

+ Hệ thống bến xe :

- Bến xe khách các thị trấn : được đặt theo vị trí của quy hoạch và được trang bị đầy đủ các tiện nghi cho hành khách như :

* Khu bến tráng nhựa

* Khu văn phòng, khu nhà chờ

* Khu dịch vụ , vệ sinh , hậu cần

* Các công trình phụ khác

* Lớp cây xanh cách ly với nhà dân , công viên nhỏ trong khuôn viên

- Bến xe hàng hóa : bố trí tại các khu công nghiệp.

+ Phương tiện giao thông :

- Với mục đích tránh ô nhiễm môi trường, các phương tiện phải mới, dùng xăng không pha chì, tải trọng không quá lớn để không phá hoại mặt đường.

- Hạn chế dần lượng xe máy, đặc biệt loại trừ dần các xe quá cũ nhằm tránh gây ô nhiễm và tai nạn .

- Phát huy việc đi bộ, đi xe đạp vì đây là biện pháp giao thông có giá trị nâng cao sức khỏe và bảo vệ môi trường.

- Bước đầu nên dùng xe buýt công cộng trên các tuyến đường dài có nhiều hành khách đi lại.

- Dùng xăng không pha chì cho các phương tiện giao thông bộ.

- Về lâu dài dùng tàu điện cao tốc trên các tuyến nối đô thị Dương Tơ và các khu du lịch .

(c) Định hướng quy hoạch sân bay

- Từ nay tới năm 2010, sân bay Phú Quốc sử dụng sân bay hiện hữu theo dự án cải tạo hiện hành. Bên cạnh đó cần thiết tiến hành các thủ tục về đất đai để xây dựng sân bay quốc tế mới Dương Tơ có diện tích khoảng 800ha.

- Sau năm 2010 xây dựng sân bay quốc tế mới Dương Tơ (khu vực Rạch Cửa Lấp) với chiều dài đường băng 3 ÷ 3,5 Km cho các loại máy bay chở khách lui tới. Có thể nghiên cứu để sân bay mới này hoạt động sớm hơn. Quy mô hành khách của sân bay tới năm 2020 khoảng 2- 2,5 triệu hành khác, trong đó khoảng 1 triệu khác quốc tế. Vầ lâu dài sân bay có thể mở rông quy mô đón 4- 5 triệu khách/năm.

- Sau năm 2010 sân bay hiện hữu tại Dương Đông có thể sử dụng để xây dựng để xây dựng các khách sạn cao tầng, trung tâm thương mại, du lịch.v.v….

2. Định hướng quy hoạch cấp nước

(a) Nhu cầu dùng nước

Dân số đô thị và các trung tâm xã tại Phú Quốc dự kiến khoảng 110- 120.000 người tới năm 2010 và 200.000- 250.000 người vào năm 2020. Nhu cầu dùng nước tới năm 2010 khoảng 18.000- 20.000 m2/ngày đêm và khoảng 45.000- 50.000 m2/ngày đêm vào năm 2020 (tính cho khoảng 20% khách lưu trú và 30% cho nhu cầu dịch vụ và sản xuất công nghiệp +TCN).

(b) Nguồn nước

- Nước ngầm : Hiện nay toàn đảo Phú Quốc chưa có tài liệu đánh giá trữ lượng và khả năng cho phép khai thác nước ngầm cụ thể. Theo các đánh giá sơ bộ, khả năng khai thác nước ngầm làm nguồn cấp nước chỉ có thể đạt tối đa 4000 - 5000 m3/ngày và không nền khai thác tập trung. Vì vậy, nguồn nước ngầm chủ yếu sử dụng cho sinh hoạt của các khu vực dân cư thấp hoặc phân tán ở các khu ngoài đô thị. Nước ngầm khai thác bằng giếng khơi, giếng dạng Unicef với tầng nước mạch nông 5 - 10 m hoặc 20 - 30 m.

- Nước mặt : Trên toàn đảo hiện có một số sông rạch lớn như rạch Cửa Cạn, sông Dương Đông và một số các suối, rạch khác. Các sông rạch này không có khả năng lấy nước trực tiếp làm nguồn cấp nước do khi mùa khô (4 - 5 tháng không mưa). Vì vậy, khi sử dụng nước mặt làm nguồn cấp nước tập trung cần phải xây dựng hồ chứa, dung tích của hồ đủ cho khoảng 160 ngày không có mưa.

- Hiện nay, trên sông Dương Đông đã cho xây dựng hồ Dương Đông có W = 3,3 triệu m3. Hồ có khả năng tăng dung tích lên W = 6 triệu m3 nếu nâng cao đập tràn.

- Để có nguồn cấp nước ổn định cho toàn đảo, dự kiến xây dựng các hồ chứa ở các suối, rạch có khả năng. Riêng với rạch Cửa Cạn, hiện đã chuẩn bị xây dựng dự án hồ Cửa Cạn có dung tích W = 33 triệu m3. Hồ vừa làm nhiệm vụ cấp nước cho nông nghiệp, vừa cấp nước sinh hoạt cho toàn đảo.

Theo định hướng quy hoạch tới năm 2020, toàn đảo cần 18.500 m3/ngày. Như vậy, nguồn cấp nước chính không có khả năng lấy từ nước ngầm, cần phải sử dụng nước mặt thông qua việc xây dựng các hồ chứa, kết hợp thủy lợi và cấp nước sinh hoạt. Ngoài ra, có thể xem xét đến các khả năng vận chuyển nước từ đất liền (mua từ Campuchia). Song, nguồn này chỉ để dự phòng vì khả năng kinh tế không thuận tiện. Đối với nguồn nước ngọt được xử lý từ nước biển cũng khó khả thi về kinh tế vì lưu lượng lớn.

Để phục vụ nhu cầu cấp nước bền vững và lâu dài cần nghiên cứu phương án đưa nước từ đất liền ra đảo thông qua hệ thống đưa nước từ sông Hậu qua kênh Vĩnh Tế tới Hà Tiên và xây dựng đường ống dẫn nước qua đáy biển Hà Tiên- Phú Quốc. Phương án này xây dựng sớm sẽ tránh được việc xây dựng hồ lớn tại Cửa Cạn sau năm 2010. Đường ống dẫn nước cần nghiên cứu để cấp cho Phú Quốc từ 50.000- 60.000 m3/ngày đêm vào năm 2020 và sau đó tăng lên 100.000- 120.000 m3/ngày đêm cho tương lai dài của Phú Quốc.

(c)Công trình đầu mối :

Để cấp nước an toàn về lưu lượng và ổn định. Toàn đảo xây dựng 4 nhà máy nước tại 4 hồ chứa :

- Hồ chứa nước Dương Đông có W1 = 3,3 triệu m3 và W = 6 triệu m3. Tại đây, xây dựng nhà máy nước số 1 có Q = 15.000 m3/ngày.

- Hồ chứa nước Suối Lớn có dung tích W = 1,5 triệu m3, sẽ xây dựng nhà máy nước có Q = 3000 m3/ngày.

- Hồ chứa nước Rạch Cá có dung tích W = 1 triệu m3, sẽ xây dựng nhà máy nước số 2 có Q = 2000 m3/người.

- Hồ chứa nước Cửa Cạn có W = 33 triệu m3, sẽ xây dựng nhà máy nướcsố 4 có Q = 25.000 m3/ngày. Đây là nhà máy nước chính của toàn đảo.

Đối với nước ngầm, chỉ khai thác với các khu vực dân sống rải rác, không tập trung có quy mô khai thác 1 - 3 m3/h (giếng khơi hoặc giếng Unicef).

Từ các nhà máy nước chính, xây dựng các tuyến chuyển tải nối với các nhà máy nước và dẫn nước cấp cho các khu vực xây dựng đô thị và du lịch toàn đảo.

3. Định hướng thoát nước thải :

(a) Lưu lượng nước thải :

Tổng lưu lượng nước thải trong các đô thị, điểm dân cư là 25.000-26.000 m3/ngày và du lịch là 6.000 - 8.000 m3/ngày với tiêu chuẩn nước thải 80 - 200 l/người ngày và hệ số thu nước thải 0,6 - 0,8 quy mô các đô thị .

(b) Giải pháp thoát nước thải :

- Tại các đô thị phía Nam , từ Dương Đông trở xuống : tập trung xây dựng tuyến cống thu gom nước thải riêng , đường kính D600-D2000 dài tổng cộng 26.500m chạy xuyên qua các đô thị và khu du lịch , đưa toàn bộ nước thải về khu xử lý tập trung đặt tại Vịnh Đầm, nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn TCVN 6984-2001, xả ra Vịnh .

- Các khu dân cư và khu du lịch khác phía Bắc : xây dựng tuyến cống nước thải riêng , xử lý ngay tại dự án của mình , nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn TCVN 6984-2001, xả ra biển hoặc giữ lại tưới cây .

(c) Công trình đầu mối :

Khu xử lý nước thải tập trung công suất 22.000 m3/ngày , dự kiến đặt gần Vịnh Đầm , diện tích 15ha , dự kiến dây chuyền công nghệ khu xử lý như sau :

Trạm bơm à bể điều hòa à bể lắng 1 à bể làm sạch sinh học à bể lắng 2 à khử trùng à xả ra Vịnh Đầm.

(d) Các vấn đề vệ sinh khác :

+ Rác : Tổng lượng rác toàn đảo 200 - 220 tấn/ngày. Trong đó, rác trong các đô thị 130 - 150 tấn/ngày, lượng rác trong đô thị được thu gom tập trung tới khu vực xử lý rác phía Bắc tại Cửa Cạn và phía Đông đảo tại Hàm Ninh . Tại đây xây dựng trạm xử lý rác kết hợp làm phân vi sinh. Khu vực có quy mô 50 ha.

+ Nghĩa địa : Dự kiến bố trí 2 vị trí nghĩa địa chung toàn đảo. Một ở phía Bắc phía Bắc xã Cửa Dương có quy mô 50 ha và một ở khu có quy mô 10 ha cho khu vực phía Nam đảo trên cơ sở mở rộng nghĩa trang nhân dân tại khu vực ấp Suối Mây- Dương Tơ .

4. Cấp điện.

(a) Nguồn điện :

Nguồn cấp điện hiện hữu cho đảo Phú Quốc là trạm diesel Dương Đông – 4000kW đặt cạnh thị trấn Dương Đông. Hiện nay đang xây dựng nhà máy nhiệt điện Dương Đông với công suất dự kiến là 12MW, đợt 1 gồm 1 tổ máy 1500kW và dời trạm diesel hiện hữu vào, đợt 2 sẽ đặt thêm 2 tổ máy 2500kW.

Về lâu dài, để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện tăng cao, cần phải nâng công suất của nhà máy điện này.

Tuy nhiên , để đảm bảo cung cấp đủ lượng công suất yêu cầu như trên, đồng thời giữ độ an toàn trong cung cấp điện, giảm giá thành điện năng, và kết nối thành một hệ thống vận hành thống nhất, sau này cần có hướng đưa nguồn điện 110kV của lưới điện quốc gia ra đảo Phú Quốc, qua các tuyến cao thê 110kV đi ngầm dưới biển.

(b) Lưới điện :

Lưới phân phối điện trên toàn huyện có điện áp là 22kV, 3 pha. Các tuyến 22kV sẽ dùng cáp ngầm do các lý do sau :

- Điều kiện khí hậu miền biển dễ ăn mòn các thiết bị điện ngoài trời.

- Các tuyến cáp ngầm có mức an toàn cao khi gặp phải thiên tai (bão tố, sấm sét, …).

- Lưới điện dùng cáp ngầm thuận tiện trong việc phát triển tăng dung lượng truyền tải điện và tạo được vẽ mỹ quan cho đô thị.

EMC Đã kết nối EMC