Ngày 9-8, đồng chí Mai Anh Nhịn - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố triển khai các giải pháp phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn tỉnh.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đến ngày 5-8, toàn tỉnh xảy ra 1.108 ổ dịch tại 14/15 huyện, thành phố, tổng số lợn bị tiêu hủy 16.622 con, kinh phí hỗ trợ trên 27 tỷ đồng. Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản tỉnh đã triển khai thí điểm mô hình phòng, chống DTLCP cấp xã tại thị trấn Giồng Riềng (Giồng Riềng), xã Bình An (Kiên Lương), phường Tô Châu (TP. Hà Tiên). Qua 3 tuần triển khai, phường Tô Châu không phát sinh ổ dịch, xã Bình An số ổ dịch giảm so trước khi thực hiện. Toàn tỉnh có 24 xã, phường, thị trấn đã công bố DTLCP cấp xã; 8 huyện, thành phố công bố DTLCP cấp huyện. Đến nay, huyện Kiên Hải, xã Phú Mỹ (Giang Thành), xã Đông Yên (An Biên), thị trấn Hòn Đất (Hòn Đất) đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Các huyện Giồng Riềng, Tân Hiệp, Châu Thành, Vĩnh Thuận, An Minh, An Biên và Kiên Hải đã chi hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi số tiền trên 5 tỷ đồng. Các địa phương đã thực hiện tốt việc tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trên hệ thống đài truyền thanh, phát 35.000 tờ rơi, sổ tay hướng dẫn phòng, chống DTLCP cho các cấp hội, đoàn thể để tuyên truyền tới người dân. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thực hiện cấp 29.678 lít Benkocid để các địa phương vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, giết mổ, chợ, phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm qua các chốt; tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ tại các điểm, lò giết mổ tập trung.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống DTLCP vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế: Công tác khai báo dịch bệnh của người dân chưa kịp thời; xảy ra tình trạng giết mổ lợn bệnh, vứt xác lợn chết ra sông, kênh, rạch làm lây lan dịch bệnh; công tác kiểm dịch vận chuyển lợn, sản phẩm lợn, vệ sinh, tiêu độc trong, ngoài vùng dịch chưa đảm bảo theo kế hoạch ứng phó đã ban hành; các địa phương còn gặp lúng túng, vướng mắc trong phân bổ kinh phí thuê mướn nhân công, vật tư thực hiện tiêu hủy lợn bệnh…
Đến nay, mầm bệnh đã phát tán rộng trên đất liền, biển đảo, môi trường trên cạn và dưới nước, nguy cơ tiếp tục lây lan, bùng phát dịch rất cao trong thời gian tới. Đồng chí Mai Anh Nhịn yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, địa phương phải xác định phòng, chống, khống chế DTLCP là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, có khả năng kéo dài để có đối sách phù hợp. Các địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống DTLCP đã được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành; đẩy mạnh tuyên truyền, cấp phát bổ sung Benkocid cho các địa phương để kịp thời thực hiện tiêu độc, khử trùng; hướng dẫn cơ sở chăn nuôi tự phun xịt 2-3 lần/tuần, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp giữa các đàn lợn, không nuôi thả lan để ngăn ngừa mầm bệnh xâm nhập, lây lan. Sở Tài chính trước ngày 15-8 ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương về khoản, mục, định mức do ngân sách chi cho công tác hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi, chi phí phục vụ tiêu hủy lợn; Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp lực lượng thú y hướng dẫn quy trình chôn lấp, tiêu hủy nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến người dân về chủ trương, chính sách và giải pháp phòng, chống DTLCP. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước mắt tập trung khống chế dịch bệnh, không chủ trương tái đàn tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình, điều kiện an toàn sinh học không đảm bảo; giao các đơn vị trực thuộc phối hợp các địa phương chủ động đề xuất chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng đáp ứng nhu cầu thị trường…
Theo https://kiengiang.gov.vn