Skip Navigation LinksChiTiet

Kinh tế - Văn hóa - Xã hội

Xem với cỡ chữAA

Ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

(2019-08-29 09:10:00)

5 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế” trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. CNTT và truyền thông ngày càng đóng góp nhiều vào phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh, cũng như góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp.

Sau khi tiếp thu Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy xây dựng và ban hành chương trình hành động cụ thể hóa thực hiện, đồng thời chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch, cùng nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện việc ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn. Đồng chí Nguyễn Xuân Kiệm - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cho biết: “Qua 5 năm triển khai thực hiện, công tác đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả khích lệ. Hiện tỉnh ta đứng hạng 25/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về hạ tầng kỹ thuật theo mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT ở Việt Nam năm 2019. Việc ứng dụng CNTT đang từng bước nâng cao năng suất lao động trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cải cách hành chính”.

Năm 2013, khi dự án “Nâng cấp hiện đại hóa cơ sở hạ tầng CNTT cho các sở TT-TT” của Bộ TT-TT đầu tư (có Kiên Giang) đã tạo tiền đề cho việc hình thành và phát triển trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh hiện đại ngày nay, nơi vận hành các ứng dụng dùng chung trọng yếu của tỉnh. Hạ tầng truyền dẫn phục vụ hoạt động các cơ quan nhà nước được quang hóa kết nối tốc độ cao đến trung tâm tích hợp dữ liệu, mạng diện rộng tỉnh và cả internet. Trang thiết bị CNTT ở các cơ quan nhà nước được quan tâm đầu tư, nâng cấp, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tỷ lệ máy tính phục vụ công chức cấp tỉnh, ủy ban nhân dân cấp huyện đạt gần 100%, ở công chức hành chính cấp xã gần 80%. Đây là điều kiện rất tốt để tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư và phát triển ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước. Trung tâm dữ liệu tập trung của tỉnh do Sở TT-TT quản lý hiện có hơn 80 máy chủ phục vụ việc triển khai các ứng dụng CNTT dùng chung trong các cơ quan nhà nước (email, cổng….), hệ thống dự phòng, sao lưu dữ liệu, hệ thống bảo mật và an toàn thông tin hiện đại… đảm bảo vận hành ổn định và thông suốt 24/7.

Bên cạnh đó, đề án xây dựng thành phố thông minh Phú Quốc đã triển khai hoàn thành giai đoạn 1. Theo đề án trên thì trọng tâm giai đoạn 1 là phủ sóng wifi công cộng toàn thị trấn Dương Đông, triển khai hệ thống giám sát chất lượng môi trường, hệ thống camera giám sát an ninh, giao thông tại các điểm trọng yếu của Phú Quốc; bước đầu hình thành Trung tâm giám sát trực tuyến và điều hành tập trung của huyện kết nối và tiếp nhận ý kiến người dân thông qua ứng dụng di động SafeCity. Đồng chí Nguyễn Xuân Kiệm cho biết: “Trong những năm tiếp theo, CNTT vẫn là một trong những lĩnh vực quan trọng và tiếp tục có những tác động ngày càng lớn vào sự tăng trưởng, phát triển của cả nước. Do vậy, việc đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT là yêu cầu cấp thiết và phải tiếp tục thực hiện. Trong đó, việc triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị là một giải pháp không thể tách rời trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.Trương Sĩ

EMC Đã kết nối EMC