Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) ra đời nhằm công khai, minh bạch thông tin liên quan đến thủ tục hành chính (TTHC) và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp từng đối tượng.
Giao dịch viên Bưu điện TP. Rạch Giá hướng dẫn khách hành đăng ký Cổng dịch công quốc gia.
Từ ngày 22-5, Nghị định số 45/2020/NĐ-CP, ngày 8-4-2020 của Chính phủ về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử có hiệu lực thi hành.
Khi truy cập Cổng DVCQG, người dân, doanh nghiệp (NDDN) có thể tra cứu thông tin TTHC, thông tin về dịch vụ công, theo dõi trạng thái hồ sơ TTHC, theo dõi việc xử lý phản ánh, kiến nghị và đánh giá mức độ hài lòng về việc giải quyết TTHC… Đối với cơ quan nhà nước, Cổng DVCQG chuẩn hóa việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho NDDN, cổng dịch vụ công, hệ thống điện tử 1 cửa cấp bộ, cấp tỉnh; hạn chế việc đầu tư dàn trải, cung cấp các nền tảng, dữ liệu về TTHC.
Bên cạnh đó, Cổng DVCQG giúp NDDN thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thực hiện TTHC, dịch vụ công sử dụng tài khoản của các ngân hàng, trung gian thanh toán; đánh giá sự hài lòng của NDDN trong giải quyết TTHC, dịch vụ công. Cổng DVCQG lấy sự hài lòng của NDDN làm thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức và cơ quan thẩm quyền trong cung cấp dịch vụ công và đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cắt giảm TTHC thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin; bảo đảm khả năng giám sát, kiểm tra, đánh giá của cá nhân, tổ chức và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong thực hiện dịch vụ công.
Từ 8 nhóm dịch vụ công được cung cấp tại thời điểm khai trương, đến nay, trên Cổng DVCQG tích hợp cung cấp 395 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 232 dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp. Cổng DVCQG giúp NDDN tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí khi TTHC của tất cả các bộ, ngành, địa phương đều có thể thực hiện.
Theo đồng chí Mai Tiến Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đến ngày 18-5, Cổng DVCQG có 37 triệu lượt truy cập; trên 142.000 tài khoản đăng ký, trong đó có 1.149 tài khoản của doanh nghiệp (trong tháng 3 và tháng 4, tài khoản tăng gấp 2 lần, mỗi tháng tăng trung bình 22.000 tài khoản); hơn 7,5 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái; hơn 71.000 hồ sơ được thực hiện qua CDVCQG. Thời gian này, Cổng DVCQG tiếp nhận, hỗ trợ trên 11.000 cuộc gọi của người dân, doanh nghiệp; tiếp nhận, xử lý 5.600 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp và hoàn thành xử lý gần 4.500 phản ánh, kiến nghị. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó riêng Cổng DVCQG đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.
Để kịp thời hỗ trợ NDDN gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, từ ngày 12-5, Cổng DVCQG cung cấp thêm 6 dịch vụ gồm: Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động; kê khai gia hạn nộp thuế doanh nghiệp; kê khai gia hạn nộp thuế cá nhân; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị trong thực hiện hỗ trợ NDDN gặp khó khăn do dịch.
Đến nay, Cổng DVCQG tiếp nhận 96 hồ sơ của doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ; có 75 phản ánh, kiến nghị liên quan đến dịch vụ công hỗ trợ cho NDDN gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Anh Lý Hải Dương, ngụ phường Vĩnh Lạc (TP. Rạch Giá) cho biết: “Tôi vui khi Cổng DVCQG được đưa vào sử dụng, góp phần giúp tôi vừa tiết kiệm thời gian vừa tiết kiệm chi phí khi giải quyết TTHC. Tôi thấy đây là điều cần thiết trong thời đại 4.0”.
Theo https://kiengiang.gov.vn/