Skip Navigation LinksChiTiet

Kinh tế - Văn hóa - Xã hội

Xem với cỡ chữAA

Phấn đấu cuối năm 2020 cả nước có 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4

(2020-08-26 10:14:00)

Ngày 26-8, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về chính phủ điện tử (CPĐT) với Ban Chỉ đạo xây dựng CPĐT, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương. Tại đầu cầu tỉnh ta, đồng chí Lâm Minh Thành - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì và điều hành.

Quang cảnh hội nghị.

Theo báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển CPĐT của 193 quốc gia, vùng lãnh thổ giai đoạn từ tháng 8-2017 đến tháng 7-2019 do Liên Hiệp quốc công bố tháng 7-2020, Việt Nam xếp hạng 86/193 quốc gia, xếp hạng 24/47 tại khu vực châu Á, xếp hạng 6/11 khu vực Đông Nam Á. Chỉ số tổng hợp của Việt Nam 0,6667, cao hơn chỉ số trung bình của thế giới và khu vực, thuộc nhóm quốc gia ở mức cao. Tại hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố kết quả xếp hạng CPĐT của các bộ, ngành địa phương năm 2019. Theo đó, Kiên Giang xếp hạng 39/63 tỉnh, thành phố về chỉ số đánh giá tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dẫn đầu cả nước về chỉ số này là tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bảo hiểm xã hội Việt Nam xếp hạng nhất về chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng CNTT của các cơ quan thuộc Chính phủ. Bộ Tài chính dẫn dầu trong khối bộ, cơ quan ngang bộ về chỉ số này.

Nghị quyết số 17/NQ-CP, ngày 7-3-2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025 giao cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện 83 nhiệm vụ trọng tâm. Đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành dứt điểm 54 nhiệm vụ. Cụ thể, tính đến tháng 7-2020, mạng truyền số liệu chuyên dùng đã kết nối đến 100% các bộ, ngành, địa phương; 21 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; cả nước có khoảng 4,4 triệu giao dịch chính thức thực hiện thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Đáng chú ý, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 trung bình cả nước tính đến tháng 7-2020 đạt 15,91%; có 9 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 11 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ DVCTT mức độ 4 trên 30%...

Đối với tỉnh ta, thời gian qua, việc triển khai ứng dụng CNTT xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp. 100% các thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến. Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đã triển khai cho 22/22 sở, ban, ngành tỉnh; 15 huyện, thành phố; 145 xã, phường, thị trấn. Triển khai dịch vụ thanh toán phí, lệ phí DVCTT trên địa bàn tỉnh để tăng cường thực hiện DVCTT mức độ 4. Hệ thống được triển khai bảo đảm đồng bộ về mặt công nghệ, liên thông cổng DVCTT quốc gia và được cài đặt tại trung tâm dữ liệu tỉnh để quản lý, vận hành tập trung. Hoạt động tiếp nhận, xử lý và trả kết quả thủ tục hành chính ngày càng mang lại hiệu quả, bảo đảm 100% các thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến với 2.133 DVCTT mức độ 1 và 2; 373 DVCTT mức độ 3; 274 DVCTT mức độ 4. Hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ công việc được triển khai đồng bộ trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh giúp nâng cao hiệu quả việc gửi, nhận văn bản điện tử từ cấp tỉnh đến cấp xã…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai một số phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Trước hết về thể chế, Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ xây dựng nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trình Chính phủ xem xét ban hành trong năm 2020; Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thành các thủ tục trình Chính phủ xem xét ban hành nghị định về định danh và xác thực điện tử, phấn đấu hoàn thành trong quý III-2020. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương cung cấp DVCTT mức độ 4, ít nhất đạt mục tiêu 30% trong năm 2020, hướng đến năm 2021 hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 4. Hàng tháng, Bộ Thông tin và Truyền thông thống kê tỷ lệ cung cấp DVCTT mức độ 4 của từng bộ, tỉnh để đôn đốc triển khai.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thành xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh trong tháng 10-2020 và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Các bộ trưởng, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phải làm gương về ứng dụng CNTT. Các bộ, ngành, địa phương từng bước tích hợp các DVCTT lên cổng DVCTT theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ để số lượng dịch vụ công trên cổng DVCTT phải nhiều hơn, tốc độ cao hơn, chứ không chỉ ở con số 1.000 như hiện nay. Các bộ, ngành, địa phương hoàn thành triển khai biện pháp giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng tập trung và kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia trong năm 2020. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, kết hợp cả đầu tư và thuê dịch vụ, phát triển hạ tầng truyền dẫn, điện toán đám mây, nền tảng chuyển đổi số quan trọng. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Bộ Nội vụ xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt nghị định về kiện toàn, nâng cấp các đơn vị chuyên trách về CNTT thành các đơn vị chuyên trách về chuyển đổi số tại các bộ, ngành, địa phương, hoàn thành trong tháng 12-2020…

Theo https://kiengiang.gov.vn/

EMC Đã kết nối EMC