Sáng ngày 21-1, Hội đồng bầu cử Quốc gia (HĐBCQG) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đến dự có đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐBCQG, Ủy viên HĐBCQG.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Kiên Giang.
Tại điểm cầu Kiên Giang có các đồng chí: Đỗ Thanh Bình - Bí thư Tỉnh ủy; Mai Văn Huỳnh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Lâm Minh Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Phú Trọng khẳng định, cùng với sự kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII, cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 lần này là cuộc vận động chính trị quan trọng và là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Đây là cơ hội để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra các đại biểu tiêu biểu, thật sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và HĐND các cấp. Đây cũng là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị, ngay sau hội nghị, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức và đơn vị có liên quan cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện thật tốt phương hướng, nhiệm vụ của cuộc bầu cử để cuộc bầu cử đạt kết quả cao nhất và thật sự trở thành ngày hội của toàn dân. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý, trong quá trình thực hiện cần chú trọng quán triệt thật tốt những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những chủ trương, chính sách lớn mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, trong đó có Quốc hội và HĐND các cấp, trong sạch, vững mạnh; nhất là trong công tác cán bộ, chọn những cán bộ xứng đáng để nhân dân bầu ra được những ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp thật sự xứng đáng, có đủ đức, đủ tài, đủ trình độ, phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, góp phần tích cực vào việc thực hiện Nghị quyết Đại hội của Đảng, trong đó có Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, cũng là kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và tầm nhìn đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
Tại hội nghị, các đại biểu nghe triển khai Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20-6-2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; triển khai Chỉ thị số 02/CT-TTg, ngày 14-1-2021 của Thủ tướng Chính phủ về công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; các văn bản hướng dẫn chi tiết về quy trình bầu cử, cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử; các hướng dẫn về việc giải quyết tố cáo, khiếu nại, thông tin, tuyên truyền bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Kế hoạch của HĐBCQG triển khai cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026…
Trước đó, Quốc hội có Nghị quyết số 113/2020/QH14 về Ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là Chủ nhật, ngày 23-5-2021.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 về dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần ĐBQH khóa XV. Theo đó, tổng số ĐBQH khoá XV là 500 người, trong đó số lượng đại biểu ở các cơ quan Trung ương là 207 đại biểu (chiếm 41,4%), số lượng ĐBQH ở địa phương là 293 đại biểu (chiếm 58,6%). Về cơ cấu, đại biểu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoảng 95 đồng chí (14%), trong đó có 12-14 đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; đại biểu là người ngoài Đảng từ 25-50 đại biểu (từ 5% đến 10%); đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) khoảng 50 đại biểu (10%); đại biểu tái cử khoảng 160 đại biểu (32%); đại biểu là người dân tộc thiểu số đảm bảo tỷ lệ ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH; đại biểu là phụ nữ bảo đảm tỷ lệ ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH.
Tại tỉnh Kiên Giang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Mai Văn Huỳnh đề các huyện, thành phố trong tỉnh sau hội nghị nhanh chóng triển khai cho cấp xã các nội dung của hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị triển khai công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; thành lập Ban Chỉ đạo, Ủy ban bầu cử cấp huyện để chỉ đạo công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thời gian tới…/.
Theo https://kiengiang.gov.vn/