Sáng ngày 11-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2022 với chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”.
Tham dự tại điểm cầu Kiên Giang, có Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành, thành viên Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành và 20 doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
'
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành và các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Kiên Giang.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhận định: 6 tháng đầu năm 2022, cả nước vẫn giữ được đà tăng trưởng. Các nhiệm vụ lớn trong 2 năm qua đã làm được là kiểm soát dịch bệnh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo tăng trưởng, thu đủ chi... cơ bản phục hồi thị trường lao động; đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân được nâng lên, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; phát triển quan hệ đối ngoại với đường lối độc lập tự chủ, được bạn bè quốc tế ủng hộ… Đạt được những thành quả đó, có sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của Nhân dân và doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế…
Tại hội nghị này, trên cơ sở nhận diện thời cơ, thách thức, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn lắng nghe các chia sẻ, đề xuất, sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội để cùng tháo gỡ khó khăn, khắc phục những điểm nghẽn trong triển khai chính sách; đồng thời, hiến kế bổ sung các giải pháp trên tinh thần "lợi ích thì hài hoà, rủi ro thì chia sẻ"; góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, phát triển doanh nghiệp đúng hướng, lành mạnh, bền vững…
Báo cáo đánh giá tình hình triển khai các chính sách, giải pháp điều hành ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư trình bày, cho thấy các kết quả đạt được: Kiểm soát tốt lạm phát theo mục tiêu đề ra; hỗ trợ giảm chi phí đầu vào, nhiên, nguyên vật liệu; giữ ổn định thị trường ngoại tệ, duy trì một mặt bằng tỉ giá, lãi suất hợp lý; chủ động xây dựng và triển khai kịp thời các chính sách, giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, chủ động thích ứng và phục hồi…
Đến hết tháng 7-2022, cả nước có khoảng 871.000 doanh nghiệp đang hoạt động có phát sinh thuế, tăng gần 13% so với năm 2019. Trong đó, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,4%; trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm 31,2% và trong lĩnh vực dịch vụ chiếm 67,4%. Về quy mô, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt trên 3,3 triệu tỷ đồng, tăng trên 37 % so với cùng kỳ năm 2021.
Theo báo cáo của các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, hiện nay, thị trường của doanh nghiệp đặc biệt là thị trường nội địa trong một số ngành phục hồi trên 75-85% so với thời điểm trước dịch bệnh Covid-19. Doanh thu trong 2 quý đầu năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, một số ngành còn cao hơn so với cùng kỳ trước dịch.
Qua 07 tháng, tổng số tiền thuế, phí, lệ phí được giảm, gia hạn để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh ước khoảng 89,2 ngàn tỷ đồng; gói hỗ trợ người lao động theo Nghị định số 11/NQ-CP đã giải ngân khoảng 196,7 tỷ đồng cho gần 340.000 người lao động; hỗ trợ 5,1 tỷ đồng cho gần 5.000 người lao động quay trở lại làm việc của hơn 600 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Để tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, Ngành và địa phương khẩn trương tháo gỡ khó khăn, rào cản về pháp lý, tồn tại chưa được giải quyết triệt để, thúc đẩy giải ngân đầu tư công để khơi nguồn lực cho đầu tư sản xuất, kinh doanh; tiếp tục hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước; khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thụ trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước; tập trung giải quyết tình trạng kha hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn; đẩy mạnh triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, đào tạo kỹ năng người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu thiếu hụt thị trường; tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính; thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
Ngoài ra, hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghệ 4.0; tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới.
Các tổ chức, Hiệp hội doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức, thời cơ, xu hướng kinh doanh, xu hướng thị trường mới của ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các yêu cầu kinh doanh bền vững, kinh doanh xanh; kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp… Đối với doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới; đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh thích ứng với biến động khách quan, hướng tới kinh doanh sáng tạo, kinh doanh xanh và bền vững; tái cấu trúc doanh nghiệp tạo chuẩn giá trị mới, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế./.
Theo https://kiengiang.gov.vn/