Sáng ngày 22/8 tại Phú Quốc, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác Cải cách hành chính (CCHC) và Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh năm 2022. Đến dự Hội nghị có ông Nguyễn Trọng Thừa - Thứ thưởng Bộ Nội vụ - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ; ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; ông Nguyễn Thanh Nhàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Quang cảnh Hội nghị
Báo cáo tại Hội nghị, ông Huỳnh Xuân Luật - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Trong năm 2022, UBND tỉnh đã giao 55 nhiệm vụ cho các sở, ngành liên quan thực hiện công tác CCHC và đã hoàn thành 26/55 nhiệm vụ, đạt 47,28% so với kế hoạch đề ra, còn lại 29 nhiệm vụ đang thực hiện.
Qua rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) hiện nay, số lượng thủ tục hành chính của tỉnh là 1.995 TTHC, trong đó, cấp tỉnh là 1.523 TTHC, cấp huyện là 321 TTHC, cấp xã là 151 TTHC. Bên cạnh đó, Kiên Giang cũng là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước (hạng 6/63 tỉnh thành) về cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để phục vụ cho người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, Cổng Dịch vụ công cung cấp 1.281 thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4. Trong 07 tháng đầu năm 2022, Cổng dịch vụ công tỉnh Kiên Giang đã tiếp nhận 143.906 hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó số lượng hồ sơ nộp trực tuyến mức độ 3 là 718 hồ sơ, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 9.985 hồ sơ. Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công ngày càng tăng, từ đó đã hỗ trợ rất nhiều cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính. Cùng với công tác CCHC, các hoạt động cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cũng được Kiên Giang tích cực chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện. Tỉnh đang hoạt động Website hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư tiếp cận thông tin. Ngoài ra, tỉnh đang vận hành thử Website cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh, dự kiến cuối tháng 8/2022 sẽ chính thức hoạt động. Đối với Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021, được xếp hạng 60/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 2 bậc so với năm 2020). Trong 10 chỉ số, tỉnh có 06 chỉ số tăng điểm, tăng hạng; 04 chỉ số giảm điểm, giảm hạng. Tuy nhiên, Kiên Giang vẫn có một số chỉ số thành phần đạt thứ hạng tương đối cao như: Tiếp cận đất đai được xếp hạng 9/63, cạnh tranh bình đẳng hạng 11/63, chi phí không chính thức hạng 20/63.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Trọng Thừa - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đánh giá cao sự nỗ lực và vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị của tỉnh Kiên Giang trong thực hiện công tác CCHC và nâng cao Chỉ số PCI. Tuy nhiên, sự phát triển của Kiên Giang trong thời gian qua chưa tương xứng với tìm năng hiện có, tỉnh nên có khát khao phát triển vươn lên, cũng như có những con người đột phá cải cách để nâng cao Chỉ số cạnh tranh và công tác CCHC tại các địa phương.
Bên cạnh đó, Kiên Giang trong thời gian vừa qua đã cải cách mạnh mẽ, Kiên Giang có vị trí tốt, nội lực tốt, nguồn lực tốt, quan tâm tốt nhưng trong thời gian tới cần làm tốt hơn nữa công tác truyền thông cho người dân hiểu, cán bộ, công chức, viên chức hiểu. Khi muốn đồng bộ cuộc cách mạng thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc; cấp ủy, cơ quan đoàn thể, Mặt trận, Cựu chiến binh, nông dân, phụ nữ, thanh niên gắn bó với nhau để thực hiện mục tiêu. Đồng thời, gắn với vai trò người đứng đầu ở các địa phương, quy trách nhiệm người đứng đầu trong mọi công việc, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Nhàn yêu cầu Sở Nội vụ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến, đề xuất của các đại biểu để tham mưu UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức có hiệu quả trong thời gian tới. “Tỉnh quyết tâm, hành động để cải thiện chỉ số cải cách hành chính và năng lực cạnh tranh, không chạy theo hình thức mà bằng kết quả, thực chất”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Nhàn nhấn mạnh. Để thực hiện các nhiệm vụ cải thiện chỉ số CCHC và chỉ số PCI của tỉnh trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Nhàn yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh cần khắc phục việc giải quyết thủ tục hành chính trễ hạn và việc tiếp nhận, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức quá hạn. Thường xuyên rà soát, đề xuất UBND tỉnh đề nghị cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính không cần thiết để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh nâng cấp, cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo hướng thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các sở, ban ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh đổi mới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền công tác cải cách hành chính. Đồng thời, ứng dụng công nghệ hiện đại, đẩy mạnh chuyển số./.
Trương Sĩ