Skip Navigation LinksChiTiet

Kinh tế - Văn hóa - Xã hội

Xem với cỡ chữAA

Khắc phục ngay những tồn tại để thủy sản Việt Nam không bị Ủy ban Châu Âu rút “thẻ đỏ”

(22/09/2022 8:54:00 SA)

Sáng ngày 20-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia (BCĐQG) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về IUU. Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐQG về IUU; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở Trung ương là thành viên BCĐQG về IUU; đại diện lãnh đạo UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quốc Anh- Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo về chống khai thác IUU tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Sau gần 5 năm, từ khi Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” với IUU, Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã vào cuộc, có nhiều nỗ lực khắc phục những nhược điểm khai thác vi phạm các quy định của EC. Quốc hội đã thông qua Luật Thủy sản 2017, Chính phủ ban hành 2 Nghị định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành 8 Thông tư hướng dẫn để thực hiện. Theo đó, về cơ sở pháp lý, các văn bản và công tác chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến các địa phương đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế.

Riêng công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài trên 15 m trở lên, cả nước hiện đạt 95,27% số tàu. Một số địa phương thực hiện tốt nhất là Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Ninh Bình, Cà Mau, Bình Định, Bình Thuận, Sóc Trăng… Cả 28 tỉnh, thành phố ven biển đã tích cực hơn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, trong đó có việc siết chặt kiểm soát tàu cá ra - vào cảng, lao động trên tàu cá, truy xuất nguồn gốc thủy sản trong quá trình khai thác, giám sát sản lượng hải sản trong quá trình bốc dỡ trên cảng…

Qua kiểm tra, giám sát, công tác xử phạt hành vi khai thác IUU trên cả nước đã được tăng cường. Năm 2020, cả nước xử phạt hơn 2.000 vụ vi phạm; năm 2021 xử phạt gần 1.700 vụ và các tháng đầu năm 2022 xử phạt gần 1.000 vụ. Các vụ vi phạm hằng năm giảm dần.

Tuy đạt được nhiều kết quả trong thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: Khung pháp lý vẫn còn một số bất cập; việc theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá còn nhiều hạn chế; tỷ lệ hải sản được truy xuất nguồn gốc còn thấp; thiết bị, hạ tầng nghề cá còn hạn chế, gây khó khăn trong thực hiện các giải pháp ngăn chặn khai thác IUU…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quốc Anh cho biết: Trong những năm qua, Kiên Giang đã triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp ngăn chặn khai thác IUU, nên tình trạng tàu cá của Kiên Giang vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm so với các năm trước.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thành lập 16 đoàn thanh tra gồm các lực lượng như: Hải quân Vùng 5, Cảnh sát biển 4 và Hải đoàn 28, Kiểm ngư cùng với các lực lượng của tỉnh Cà Mau tiến hành thanh tra, kiểm tra trên vùng biển, qua đó xử lý vi phạm hành chính 146 vụ, nộp ngân sách là 8,57 tỷ đồng. Phối hợp với Cảnh sát biển 4 xử lý 13/24 vụ tàu vi phạm khai thác IUU và nộp ngân sách là 67 tỷ đồng. Trong thời gian tới, Kiên Giang sẽ thành lập 02 tổ công tác kiểm tra các cảng biển, cảng tàu, sổ sách, nhật trình cũng như củng cố các hồ sơ liên quan, hồ sơ vi phạm đảm bảo thực hiện đúng quy trình, quy định.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu người đứng đầu các Ban, Bộ, ngành Trung ương có liên quan và 28 tỉnh, thành phố ven biển phải tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp chống khai thác IUU. Thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ, của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU; thường xuyên kiểm tra, giám sát, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.

Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, những kết quả đạt được thời gian gần đây là đáng ghi nhận, song trên thực tế vẫn còn một số tồn tại lớn cần tháo gỡ ngay. Cụ thể, sự chuyển biến còn chậm, việc đăng ký cấp phép tàu cá chưa đạt yêu cầu; tiến độ lắp đặt giám sát hành trình tàu cá giai đoạn cuối còn chậm; số vụ khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài ngày càng tăng, đã có hơn 700 ngư dân bị các nước bắt giữ. Nếu những tồn tại lớn này không khắc phục được ngay, thời gian tới thủy sản Việt Nam còn bị EC rút “thẻ đỏ”, vô cùng khó tháo gỡ, không thể xuất được thị trường châu Âu.

Ngày 19-10 tới, đoàn công tác EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra, nên các bộ, ngành, địa phương phải nghiêm túc chấp hành các văn bản chỉ đạo từ Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong những ngày tới, các địa phương phải khẩn trương ban hành văn bản chỉ đạo các tổ chức, cá nhân, cơ sở, giao nhiệm vụ cho các xã ven biển thực hiện các giải pháp cấp bách chống khai thác IUU. Cùng với đó, phải tổ chức các đoàn kiểm tra để phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, những tàu không đăng ký cấp phép, chưa lắp thiết bị giám sát hành trình./.

Theo https://kiengiang.gov.vn/

EMC Đã kết nối EMC