Sáng ngày 6-5, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành chủ trì hội nghị sơ kết thực hiện Dự án Điều tra các nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng, đề xuất sắp xếp lại nghề khai thác thủy sản tỉnh Kiên Giang.

Quang cảnh hội nghị.
Dự án Điều tra các nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng, đề xuất sắp xếp lại nghề khai thác thủy sản tỉnh Kiên Giang được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 7 năm 2021, nhằm đánh giá năng lực khai thác của các nghề khai thác ở vùng viển ven bờ và vùng lộng biển Kiên Giang và hiện trạng quản lý, bảo vệ nguồn lợi hải sản trên địa bàn tỉnh; phân vùng khai thác và sắp xếp lại cơ cấu đội tàu phù hợp; đề xuất các giải pháp về tổ chức quản lý cơ chế, chính sách phát triển đội tàu khai thác ở vùng biển ven bờ và vùng lộng tỉnh Kiên Giang theo hướng phát triển bền vững.
Để bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản và nâng cao đời sống của cộng đồng ngư dân ven biển, cụ thể hoá mục tiêu đạt 6% diện tích biển tự nhiên được bảo tồn theo Nghị quyết số 36/-NQ/TW, Kiên Giang đã đề suất bổ sung 4 khu bảo tồn biển, 1 khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, 1 khu thả rạn nhân tạo, tổng diện tích bảo tồn hiện có và diện tích đề xuất theo dự thảo quy hoạch trên vùng biển trên 322.000 hecta, chiếm khoảng 5,09% diện tích vùng biển Kiên Giang.
Tính đến hết năm 2019, tổng số tàu khai thác thuỷ sản của tỉnh là 11.769 tàu (bao gồm 2.347 tàu chưa đăng ký), trong khi đó, sản lượng khai thác thuỷ sản của các đội tàu dao động từ 339.200 tấn đến 447.557 tấn, vượt trữ lượng và khả năng khai thác bền vững tối ưu.
Đến nay, số tàu đã tiến hành xoá đăng ký là 1.053 chiếc, số tàu hiện hữu của tỉnh ước khoảng 9.816 chiếc. Tuy nhiên, qua công tác rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá theo Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn tỉnh phát sinh thêm 2.486 chiếc do ngư dân tự ý đóng mới chưa đủ điều kiện giấy tờ hoạt động theo quy định, gây nhiều khó khăn trong công tác sắp xếp cơ cấu nghề khai thác của tỉnh trong thời gian tới.
Theo ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, mục tiêu lớn nhất của Dự án là hướng đến giảm tỷ trọng đánh bắt tăng tỷ trọng nuôi trồng và xây dựng các mô hình chuyển đổi ngành nghề phù hợp cho ngư dân, do đó, tỉnh cần có các chính sách hỗ trợ ngư dân để thực hiện tốt dự án này. "Kiên Giang là tỉnh có đội tàu lớn nhất cả nước nên việc chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, để thực hiện tốt việc chuyển đổi ngành nghề từ đánh bắt sang nuôi trồng, tỉnh cần đề xuất với Chính phủ có chính sách hỗ trợ lãi suất cho ngư dân vay vốn mua sắm lồng bè phát triển các mô hình nuôi trồng trên biển"- ông Nhựt nói.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành cho rằng, mặc dù kết quả thực hiện Dự án trong thời gian qua chưa đạt kết quả như mong muốn, tuy nhiên ngành nông nghiệp và các cơ quan tham mưu đã chủ động phối hợp kiểm tra, đôn đốc thực hiện, đặc biệt là công tác điều tra, rà soát số lượng phương tiện, ngành nghề đánh bắt đang hoạt động khai thác trên biển.
Với mục tiêu đến năm 2025 phải thực hiện cắt giảm 2.550 tàu cá hoạt động xâm hại nguồn lợi, hoạt động không đúng quy định, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành đề nghị ngành nông nghiệp và các địa phương cần phối hợp tiếp tục rà soát, đối chiếu, kiểm điếm và loại trừ các tàu cá trùng lắp giữa 2 danh sách tàu cá gồm số tàu đã cho chủ trương đăng ký và số lượng tàu cá mới phát sinh. Các địa phương phải kiểm soát chặt chẽ các xưởng đóng tàu không đủ điều kiện trên địa bàn, tăng cường tuyên truyền, giáo dục người dân không tự phát đóng tàu ra khơi, từng bước thực hiện chuyển đổi nghề.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 208/QĐ-TTg, ngày 10-3-2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái. Trước mắt, chuyển đổi một số nghề phù hợp với người lao động đi biển như: Nuôi trồng thủy sản, nuôi biển, dịch vụ hậu cần nghề khai thác thủy sản. Để thực hiện việc chuyển đổi nghề, tỉnh xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ vốn vay cho ngư dân chuyển đổi từ hoạt động khai thác thủy sản sang nghề khác thân thiện với nguồn lợi và môi trường sinh thái. Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, quy hoạch hệ thống cảng phục vụ nghề khai thác thủy sản.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tăng cường lặp lại trật tự tàu ra vào cảng, đồn, trạm biên phòng; phối hợp các lực lượng, địa phương tăng cường công tác tuần tra kiểm soát tàu cá, xử lý vi phạm hành chính tàu cá vi phạm.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, xã, phường, thị trấn tăng cường hơn nữa trong việc rà soát tàu cá, tăng cường công tác quản lý tàu cá, tuyệt đối không phép phát sinh đóng mới phương tiện; phối hợp với ngành nông nghiệp nghiên cứu, đề xuất vận dụng lồng ghép với các chương trình giải quyết việc làm ở địa phương để thực hiện chuyển đổi nghề khai thác thủy sản sang ngành nghề khác./.
Theo https://kiengiang.gov.vn/