Để thực hiện việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, chúng ta cần tiếp tục quán triệt tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập, tiếp tục xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và các đại biểu dự lễ viếng Nghĩa trang Liệt sĩ và Đền thờ Liệt sĩ TP. Phú Quốc, nhân lễ kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về” tháng 3-2023.
Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn nhận thức đúng đắn, nhất quán vai trò, tầm quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc: “Đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
“Chính sách, pháp luật của Nhà nước là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện đại đoàn kết toàn dân và sinh hoạt dân chủ trong xã hội”. Cần tăng cường xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; xây dựng đồng bộ các chính sách kinh tế - xã hội đúng đắn, phát huy mọi khả năng sáng tạo của nhân dân; đổi mới và hoàn thiện chính sách cụ thể đối với các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo, qua đó từng bước củng cố, nâng cao nhận thức, niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, không ngừng củng cố sự vững mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được xây dựng trước hết trên cơ sở sự thống nhất nhận thức của các tầng lớp nhân dân đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân ở trong nước cũng như đồng bào ta đang định cư ở nước ngoài hiểu rõ đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong đó, cùng với việc thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục pháp luật, công tác tuyên truyền nội bộ của tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các hội nghề nghiệp, trường học, các đơn vị lực lượng vũ trang…, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục đối với các tầng lớp nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và qua hoạt động thực tiễn của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đối ngoại, quan tâm hơn nữa đến đồng bào ta đang định cư ở nước ngoài để đồng bào thấy rõ mình thực sự là bộ phận không tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động, sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội theo hướng thiết thực, tăng cường đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh”.
Ba là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế phát huy quyền làm chủ của mọi giai cấp, tầng lớp nhân dân.
Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc chỉ có thể được phát huy khi Đảng, Nhà nước có những cơ chế phù hợp với mỗi giai cấp, tầng lớp, thành phần xã hội để nhân dân ta thực sự có quyền làm chủ nhà nước và xã hội, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mình trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tại Đại hội XIII, Đảng đã chỉ rõ cần phải “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”. Theo đó, mọi cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước phải thực sự thấm nhuần trách nhiệm là “công bộc của dân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, luôn tôn trọng, lắng nghe tiếng nói của nhân dân; thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; làm tốt trách nhiệm của bản thân trong giải quyết mọi khó khăn, khúc mắc của nhân dân, qua đó củng cố tình cảm, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong tình hình hiện nay, cần đặc biệt quan tâm đến phòng, chống tham nhũng, lãng phí, bởi đó chính là những yếu tố trực tiếp làm tổn hại đến quyền làm chủ của nhân dân, làm suy giảm tình cảm, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, làm suy yếu sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bốn là, đảm bảo lợi ích của các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”. Nhân dân ta cần “trông thấy lợi ích thiết thực (lợi ích gần và lợi ích xa, lợi ích riêng và lợi ích chung, lợi ích bộ phận và lợi ích toàn cuộc). Đối với nhân dân không thể lý luận suông, chính trị suông”.
Đối với nước ta hiện nay, bên cạnh sự thống nhất lợi ích căn bản ở mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, mỗi giai cấp, tầng lớp, mỗi dân tộc, tôn giáo đều có những nhu cầu lợi ích riêng. Đảng, Nhà nước cần thấu hiểu và có cơ chế, chính sách cụ thể để đáp ứng những nhu cầu chính đáng của từng thành phần, bộ phận. Trong bối cảnh đất nước đang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trước tác động của quy luật cạnh tranh, việc xảy ra những khác biệt, thậm chí mâu thuẫn, xung đột lợi ích giữa các bộ phận, thành phần xã hội là khó tránh khỏi. Đảng, Nhà nước cần phải kịp thời nắm bắt tình hình thực tiễn, đề ra các chủ trương, biện pháp để hóa giải mâu thuẫn, tránh để nảy sinh những xung đột lớn, gây tổn hại đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thành quả phát triển của đất nước phải được phân bổ đúng đắn, hợp lý để mọi người dân đều được thụ hưởng, “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Mỗi bước tiến trong việc cải thiện đời sống nhân dân cũng là mỗi bước củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đúng như Đảng đã khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa lợi ích giữa các thành viên trong xã hội”./.
Theo Tạp chí Tuyên giáo Trung ương