Skip Navigation LinksChiTiet

Tin tức sự kiện

Xem với cỡ chữAA

Giải trình ý kiến, kiến nghị của cử tri.

(2019-07-19 08:27:00)

Căn cứ vào báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri phản ánh trước Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh, thay mặt UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Anh Nhịn đã trình bày phương hướng giải quyết và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xem xét xử lý trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Anh Nhịn giải trình các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp.

Đại biểu HĐND tỉnh trao đổi ý kiến trong giờ giải lao tại phiên khai mạc.

- Cử tri huyện An Biên kiến nghị tỉnh có kế hoạch sửa chữa đường 964 và cầu trên tuyến lộ này.

Các hư hỏng nhỏ trên tuyến đường 964, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên tuyến tiến hành sửa chữa đảm bảo giao thông; và đang hoàn chỉnh công tác chuẩn bị đầu tư 07 cầu trong năm 2019.

- Cử tri huyện Kiên Lương đề nghị mở cống Cái Tre thuộc xã Bình Trị (01 tháng 2 lần) để thuận tiện cho tàu thuyền ra vào khu vực này.

Cống Cái Tre trên địa bàn xã Bình Trị, huyện Kiên Lương thuộc dự án thoát lũ ra biển Tây có nhiệm vụ kiểm soát mặn và được vận hành tùy thuộc vào nguồn nước trong khu vực. Phía hạ lưu cống có một cầu giao thông bằng thép bắt ngang, sát bờ biển, cao trình đáy dầm cầu rất thấp (gần bằng mặt đường giao thông) nên hầu hết các phương tiện qua đây đều là các tàu, thuyền nhỏ với số lượng không nhiều. Trong thời gian vừa qua, cống Cái Tre được vận hành mở khoảng 2-3 đợt trong tháng để điều tiết nước và xử lý ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện nhỏ qua lại trong thời gian mở cống.

- Cử tri huyện Kiên Lương đề nghị Sở Giao thông vận tải lắp đặt đèn báo hoặc biển báo giảm tốc độ khu vực trường học cấp I, cấp II và khu vực chợ Hòn Chông thuộc xã Bình An; xem xét khảo sát duy tu đoạn đường thuộc Quốc lộ 80 (từ khu phố Xà Ngách đến cầu Cái Tre thị trấn Kiên Lương) và đoạn đường từ ngã ba Hòn Chông đến Bình Trị đã hư hỏng nhiều dễ xảy ra tai nạn giao thông.

Tuyến đường tỉnh 971 đoạn từ Ba Hòn – Khu du lịch Hòn Phụ Tử đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng; hệ thống báo hiệu trên tuyến sẽ được đầu tư đồng bộ. Các hư hỏng trên tuyến Quốc lộ 80 (đoạn từ khu phố Xà Ngách đến cầu Cái Tre) và tuyến ĐT.971, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên tiến hành sửa chữa đảm bảo giao thông.

- Cử tri huyện Hòn Đất kiến nghị tỉnh xem xét, bố trí vốn tiếp tục đầu tư 06 cây cầu tuyến lộ Mỹ Thái đến tiếp giáp tỉnh An Giang.

Kế hoạch đầu tư 06 cầu trên tuyến Mỹ Thái đã được bố trí kế hoạch đầu tư công năm 2019-2020; hiện nay, Sở Giao thông vận tải đang tổ chức lập thủ tục chuẩn bị đầu tư để triển khai thi công trong năm 2019.

- Cử tri huyện Hòn Đất đề nghị Sở Giao thông vận tải sớm sửa chữa đường dẫn hai bên dốc cầu và dưới cầu vượt Tám Ngàn; đề nghị kiểm tra, sửa chữa các nắp cống thoát nước cặp Quốc lộ 80 (tại Tổ 9, khu phố Thành Công, thị trấn Sóc Sơn).

Các hư hỏng trên tuyến ĐT.970 (đường Tám Ngàn) theo phản ánh của cử tri đã được kiểm tra, sửa chữa.

Các nắp cống thoát nước cặp Quốc lộ 80 (tại Tổ 9, khu phố Thành Công, thị trấn Sóc Sơn) bị sụp theo phản ánh của cử tri, tỉnh tiếp thu và sẽ chỉ đạo Sở Giao thông vận tải kiểm tra, sửa chữa.

- Cử tri huyện Châu Thành kiến nghị tỉnh khảo sát lắp đặt đèn cảnh báo giao thông tại tuyến tránh đầu lộ Xuyên Á (cầu vượt Quốc lộ 80, xã Mong Thọ B).

Qua phản ánh, Sở Giao thông vận tải đã tiến hành kiểm tra và bố trí báo hiệu giao thông đầy đủ tại vị trí cử tri phản ánh.

- Cử tri huyện Giồng Riềng kiến nghị tỉnh xem xét bố trí vốn nâng cấp tuyến lộ từ Công Binh (xã Hòa Hưng) đến Kênh Ranh (xã Hòa Lợi).

Tỉnh tiếp thu ý kiến của cử tri và sẽ chỉ đạo Sở Giao thông vận tiến hành khảo sát và sửa chữa những đoạn hư hỏng trong quý III/2019.

- Cử tri huyện Gò Quao kiến nghị Sở Giao thông vận tải khảo sát lắp đèn báo tính hiệu giảm tốc độ tại đoạn dốc cầu Cái Tư.

Hiện nay, khu vực này đã được bố trí đầy đủ hệ thống báo hiệu, đảm bảo khai thác tốt.

- Cử tri huyện Hòn Đất kiến nghị hiện nay việc xóa thế chấp do Phòng Đăng ký đất đai thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường thực hiện, tuy nhiên khi đăng ký thế chấp phải qua Tổ một cửa UBND huyện sau đó chuyển qua Phòng Đăng ký đất đai, thực hiện theo quy trình này kéo dài thời gian gây phiền hà cho nhân dân, đề nghị nên để Phòng Đăng ký đất đai thực hiện việc đăng ký và xóa thế chấp nhằm tạo thuận tiện cho người dân khi vay vốn.

Việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính nói chung và hồ sơ xóa thế chấp nói riêng được thực hiện theo cơ chế một cửa. Theo quy định, tất cả các hồ sơ trong bộ thủ tục hành chính do UBND tỉnh công bố phải được tiếp nhận và trả kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc UBND huyện. Tuy nhiên, đối với hồ sơ giao dịch bảo đảm (bao gồm hồ sơ xóa thế chấp) là một trong những thủ tục hành chính có thời gian giải quyết ngắn, do đó tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, thống nhất với các địa phương trong tỉnh để được tiếp nhận và trả kết quả tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện, nhằm rút ngắn được thời gian giải quyết thủ tục hành chính cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

- Cử tri huyện Phú Quốc kiến nghị xem xét tạo điều kiện để cử tri xã Thổ Châu có phương tiện (tàu) từ xã Thổ Châu đi Phú Quốc và ngược lại được đảm bảo an toàn, hiện nay tàu Thổ Châu 09 mới đóng không đảm bảo an toàn cho người dân khi đi trên biển.

Các hạng mục thi công, thiết bị lắp đặt của tàu Thổ Châu 09 đều thực hiện đúng theo hồ sơ thiết kế được duyệt và đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đóng tàu biển vỏ thép, đóng tàu thủy cao tốc, trang bị an toàn… và được Đăng kiểm Việt Nam nghiệm thu, cấp chứng nhận đăng kiểm. Tàu có tốc độ tối đa đạt 22,1 hải lý/giờ và vẫn hoạt động trong điều kiện sóng cấp 7. Hiện nay, tàu vẫn đang hoạt động bình thường phục vụ cho nhân dân di chuyển từ Phú Quốc ra Thổ Châu và ngược lại, với 06 chuyến/tháng (định kỳ 05 ngày sẽ có 01 chuyến đi và về).

- Cử tri huyện Phú Quốc kiến nghị sớm cho điều chỉnh tọa độ bị sai lệch (do đo đạc trước đây) đúng với hiện trạng sử dụng và nguồn gốc đất trên địa bàn huyện.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn đang tiến hành đo đạc, kiểm tra lại tại xã Cửa Cạn và một số xã khác theo phản ánh của cử tri. Dự kiến trong quý IV/2019 sẽ hoàn thành.

- Cử tri huyện Phú Quốc kiến nghị tỉnh chỉ đạo lắp đặt các biển báo hiệu vào những cột bê tông của công trình đóng cọc phân luồng thảm cỏ biển trên vùng biển xã Bãi Thơm, để tàu thuyền ra, vào ban đêm được an toàn.

Dự án đóng cọc trong vùng thảm cỏ biển được triển khai thi công vào cuối năm 2018, đến nay khối lượng công việc đạt khoảng 60%. Hiện nay, đơn vị đang thi công nên chưa hoàn thiện các hệ thống báo hiệu và chưa lắp đặt đầy đủ các hệ thống báo hiệu, cảnh báo cho phương tiện tàu bè ra vào. Tỉnh ghi nhận ý kiến phản ánh của cử tri và sẽ chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, khối lượng thi công nhằm sớm hoàn thành dự án để tàu thuyền ra vào được an toàn.

- Cử tri huyện Phú Quốc kiến nghị xem xét, hỗ trợ và điều chỉnh giảm giá đất giao nền tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi tại dự án cáp treo và quần thể vui chơi giải trí biển Hòn Thơm - Phú Quốc, bao gồm cả 2 khu tái định cư được bố trí ở xã Hòn Thơm (tái định cư tại chỗ) và thị trấn An Thới.

Theo quy định Tại Khoản 3 Điều 86, Luật Đất đai năm 2013: “Giá đất cụ thể tính thu tiền sử dụng đất tại nơi tái định cư, giá bán nhà ở tái định cư do UBND tỉnh quyết định”. Theo quy định này, việc xác định giá đất để thu tiền tái định cư được tính theo giá đất cụ thể (giá thị trường) tại thời điểm giao đất. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân có đất bị thu hồi sớm ổn định cuộc sống và sinh hoạt, UBND tỉnh đã thống nhất nguyên tắc tính giá tái định cư để giao cho người dân bao gồm: Chi phí bồi thường + chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt (không tính chi phí đầu tư hạ tầng xã hội: Trường học, trạm xá, trụ sở hành chính…).

Đối với giá giao nền tái định cư của dự án cáp treo và quần thể vui chơi giải trí Hòn Thơm – Phú Quốc (khu tái định cư xã Hòn Thơm và khu tái định cư thị trấn An Thới), việc xác định giá đất giao nền tái định cư bao gồm: Chi phí bồi thường + chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Như vậy, với đơn giá nền tái định cư đã được công bố vừa đủ bù đắp chi phí bồi thường và đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật của dự án này, và với đơn giá này thấp hơn giá thị trường tại thời điểm giao nền tái định cư. Vì vậy, giá đất giao nền tái định cư của dự án trên là phù hợp, nên không có cơ sở để xem xét điều chỉnh giảm giá đất theo đề nghị của cử tri.

- Cử tri thành phố Rạch Giá kiến nghị tuyến đường Chu Văn An hiện nay đã thi công được một bên đường, còn một bên đường chưa thi công, đề nghị đẩy nhanh tiến độ thi công.

Đường Chu Văn An, thành phố Rạch Giá đã triển khai thi công từ năm 2018, tuy nhiên tiến độ thực hiện chậm do hiện nay đang vướng giải phóng mặt bằng; hiện còn 11 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng để thi công. Tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Giao thông vận tải phối hợp cùng UBND thành phố Rạch Giá tìm cách tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ thi công.

- Cử tri xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải đề nghị Công ty Điện lực Kiên Giang có biện pháp xử lý nhanh tại một số đoạn đường các nhánh cây và dây leo trên các cột điện và dây điện, rất nguy hiểm cho người dân.

Qua phản ánh của cử tri, Điện lực Rạch Giá đã tổ chức kiểm tra lưới điện tại xã Lại Sơn và đã có yêu cầu Tổ điện Lại Sơn phát quang một số vị trí có cây xanh và dây leo trên các trụ điện trong đó có vị trí thuộc tuyến 477-471 Lại Sơn (nơi cử tri kiến nghị) và đã hoàn thành vào giữa tháng 6/2019.

- Cử tri huyện An Minh tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh sớm khảo sát, hỗ trợ kinh phí đầu tư lưới điện tại các vùng lõm trên địa bàn huyện, hiện nay một số nơi không có điện sinh hoạt và phục vụ sản xuất, phải sử dụng điện chia hơi, giá điện cao và không đảm bảo an toàn.

Theo báo cáo của ngành điện, trong năm 2019 Công ty Điện lực Kiên Giang đã đưa vào kế hoạch đầu tư công trình xóa câu phụ tại huyện An Minh 05 hạng mục với tổng khối lượng đường dây trung thế là 4km; đường dây hạ thế là 8,9km và trạm biến áp với dung lượng 137,5kVA, tổng vốn đầu tư 3,6 tỷ đồng, xóa vùng lõm thuộc các xã Đông Hòa, Đông Thạnh, Đông Hưng A. Công trình dự kiến đóng điện trong quý IV/2019. Bên cạnh đó, có 06 hạng mục đã được Công ty thống kê và đề xuất vào danh mục công trình phát triển lưới điện vùng lõm ứng vốn ngân sách tỉnh năm 2019. Ngoài ra, hầu hết các hạng mục lưới điện vùng lõm còn lại đều nằm trong dự án cấp điện nông thôn tỉnh (dự án 2081) đến nay vẫn chưa thể triển khai. Dự án đã được Tổng Công ty Điện lực Miền Nam chuyển giao cho UBND tỉnh làm chủ đầu tư, nhưng vẫn chưa được Chính Phủ bố trí vốn thực hiện.

-Cử tri huyện Phú Quốc kiến nghị Sở Công Thương xem xét sớm cho hạ thế điện các khu vực của thị trấn An Thới và xã Cửa Dương.

Qua rà soát, hiện trạng cấp điện tại xã Cửa Dương và khu vực thị trấn An Thới như phản ánh của cử tri phần lớn thuộc dự án tái cấu trúc điện Phú Quốc do Tổng Công ty Điện lực Miền Nam triển khai, có khối lượng đầu tư xây dựng và cải tạo đường dây trung thế 139 km, đường dây hạ thế 79 km và trạm biến áp với vốn đầu tư dự kiến là 218 tỷ đồng. Theo báo cáo của ngành điện, dự án đang tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp, dự kiến thi công trong quý IV/2019 và hoàn thành trong quý I/2020.

- Cử tri thành phố Rạch Giá kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét xử lý ô nhiễm môi trường do ứ đọng lục bình ở các cống ngăn mặn trên địa bàn thành phố Rạch Giá.

Vào ngày 07/7/2019, UBND tỉnh đã cho dỡ đập tạm trên sông Kênh Nhánh và vận hành các cống ngăn mặn trên địa bàn thành phố Rạch Giá để xử lý ô nhiễm môi trường, hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cống ngăn mặn đã cơ bản được khắc phục.

- Cử tri thị trấn Sóc Sơn đề nghị gắn đồng hồ nước cho các hộ dân, hiện nay đã có đường ống dẫn nước nhưng chưa được gắn đồng hồ nước; cử tri xã Mỹ Hiệp Sơn đề nghị gắn đồng hồ nước cho các hộ dân tuyến lộ bờ Tây kênh Sóc Xoài - Ba Thê và những nơi đã có đường ống dẫn nước đi qua.

Tuyến ống đi qua khu vực trên là tuyến ống phát sinh, hiện nay Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đang hoàn tất hồ sơ trình phê duyệt, sau đó sẽ tiến hành lắp đặt đồng hồ, dự kiến sẽ thực hiện trong quý IV/2019.

- Cử tri huyện Châu Thành kiến nghị mở rộng tuyến ống dẫn nước sạch từ ngã 3 Minh Lương đến kênh 5 Thướt và hai bên Quốc lộ 63 đoạn từ đầu cầu số 2 (Trường Quân sự tỉnh) đến ngã ba đường Xuyên Á thuộc địa bàn xã Bình An.

Hiện tại, 02 tuyến ống cấp nước trên, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang đang thi công.

- Cử tri huyện Giang Thành đề nghị Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh kiểm tra chất lượng nước sinh hoạt cung cấp cho người dân chưa đảm bảo.

Hiện nay, do tuyến ống khu vực huyện Giang Thành khá dài, một số nơi tuyến ống đầu tư đã lâu, hay bị sự cố bể ống, một số nơi do mở rộng lộ giao thông nông thôn thường xuyên bị bể ống, phải khắc phục thường xuyên do đó ít nhiều bị ảnh hưởng chất lượng nước, đồng thời Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã tiến hành thay thế vật liệu lọc tại Trạm cấp nước xã Tân Khánh Hòa, đến nay chất lượng cấp nước đảm bảo theo yêu cầu.

- Cử tri huyện An Biên kiến nghị, hiện nay một số tuyến đường thuộc các xã Tây Yên, Nam Yên, Nam Thái, Nam Thái A đã được nhà nước đầu tư lắp đặt tuyến ống dẫn nước sạch phục vụ đời sống nhân dân; tuy nhiên vẫn còn nhiều hộ dân sinh sống ở những nơi tuyến ống dẫn nước sạch đi ngang nhưng vẫn chưa được nối ống nước để sử dụng, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn khảo sát nối ống nước cho người dân ở các xã này sử dụng.

Hiện nay, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã khảo sát lập danh sách các hộ dân chưa có đồng hồ nước tại 05 xã thuộc huyện An Biên, và đang tiến hành lắp đặt cho khoảng 1.000 hộ dân trong khu vực. Dự kiến trong quý III/2019 sẽ lắp đặt hoàn thành 1.000 đồng hồ nước và cung cấp nước sạch cho người dân.

- Cử tri huyện Gò Quao kiến nghị các ấp Hòa An, Hòa Thành, Thạnh Hòa I, Thạnh Hòa II, Thạnh Hòa III (xã Thủy Liễu) kiến nghị Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh sớm vận hành nhà máy cung cấp nước sạch cho bà con cử tri trên địa bàn xã Thủy Liễu sử dụng.

Hiện nay, nhà máy nước tại ấp Thạnh Hoà 3 xã Thủy Liễu công suất không đủ cấp cho toàn tuyến, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã xây dựng kế hoạch cấp nước theo tuyến để phục vụ cho tuyến ống mở rộng trên, đồng thời trong quý III/2019 sẽ triển khai thi công nâng cấp nhà máy nước Thủy Liễu 1, khi hoàn thành sẽ cấp bổ sung cho các tuyến trên.

- Cử tri huyện Kiên Lương kiến nghị Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét việc cộng điểm ưu tiên cho học sinh khi xét tốt nghiệp trung học phổ thông, cụ thể là xã Bình Trị, xã Kiên Bình là xã vùng sâu, vùng xa nhưng không được cộng điểm ưu tiên.

Việc cộng điểm ưu tiên cho học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông phải thực hiện theo Quy chế thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định (trên cơ sở Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tường Chính phủ), theo đó xã Bình trị và Kiên Bình không có tên trong danh sách được hưởng chính sách ưu tiên. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được xem xét giải quyết. Do đó, năm 2019 vẫn phải thực hiện đúng quy chế thi trong việc xét tốt nghiệp cho học sinh 2 xã trên.

- Cử tri huyện Hòn đất kiến nghị Sở Văn hóa và Thể thao xem xét lại một phần điểm chuẩn chấm điểm và sửa đổi một số quy định việc xét chấm điểm cuối năm của đơn vị, ấp, khu phố văn hóa, xét thi đua khen thưởng tại địa phương, nếu đơn vị phát hiện có đối tượng phạm tội về ma túy, khi xét đơn vị văn hóa thì bị điểm liệt không đạt chuẩn văn hóa là chưa hợp lý.

Thực hiện Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ về việc quy định về xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, thôn văn hóa, làng văn hóa, ấp văn hóa, bản văn hóa, tổ dân phố văn hóa, UBND tỉnh đã giao Sở Văn hóa và Thể thao nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định sửa đổi Quyết định số 1189/QĐ-UBND ngày 04/6/2012 của UBND tỉnh cho phù hợp theo quy định Nghị định số 122/2018/NĐ-CP. Hiện nay, dự thảo văn bản đang lấy ý kiến các sở, ngành và địa phương.

- Cử tri huyện Hòn Đất kiến nghị tỉnh xem xét hỗ trợ chùa Nam tông Khmer (Kênh 12) một lò hỏa táng cho đồng bào dân tộc.

Hiện nay chủ trương của Trung ương là chỉ hỗ trợ việc xây dựng lò hỏa táng hiện đại ở một số nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer, không thực hiện việc hỗ trợ kinh phí để xây dựng lò hỏa táng theo truyền thống. Thời gian qua, ngân sách tỉnh và Trung ương đã hỗ trợ việc xây dựng mới và sửa chữa một số lò hỏa táng ở một số điểm chùa trong tỉnh, tuy nhiên vẫn còn một số điểm chùa có lò hỏa táng bị hư và một số chùa chưa được xây mới, trong đó có điểm chùa Nam tông Khmer Kênh 12 của huyện Hòn Đất. Tỉnh ghi nhận ý kiến phản ánh của cử tri và sẽ chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh tổ chức kiểm tra, khảo sát nhu cầu xây dựng mới và sửa chữa các lò hỏa táng trong tỉnh, báo cáo UBND tỉnh để có hướng hỗ trợ.

- Cử tri huyện Giồng Riềng kiến nghị, theo quy định tại Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, ngân hàng hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua sắm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhưng trong thực tế khi người dân liên hệ Ngân hàng Nhà nước huyện để vay vốn thì được trả lời là không được hỗ trợ lãi suất, đề nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo giải quyết cho nông dân.

Để hỗ trợ người dân giảm tổn thất trong sản xuất nông nghiệp, từ năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp (theo Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 và nay là Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013). Đến cuối tháng 5/2019, dư nợ cho vay theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg đạt 247 tỷ đồng.

Để được vốn vay ưu đãi theo Quyết định 68, người dân phải đáp ứng đủ các điều kiện tiếp cận tín dụng chung gồm: Có đủ năng lực hành vi dân sự; có khả năng tài chính để trả nợ; khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh; hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân được UBND xã xác nhận trực tiếp sản xuất, dịch vụ cơ giới nông nghiệp; doanh nghiệp có ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ với hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân. Và các loại máy, thiết bị được vay vốn có hỗ trợ lãi suất phải thuộc danh mục máy, thiết bị được hưởng chính sách hỗ trợ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định; phù hợp với số lượng, chủng loại máy do địa phương quy định trong từng thời kỳ. Đối với các loại máy, thiết bị không thuộc danh mục máy, thiết bị được hưởng chính sách hỗ trợ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định thì vay vốn với lãi suất thương mại thông thường. Vì vậy, cử tri có nhu cầu vay vốn và đáp ứng đủ các điều kiện tiếp cận tín dụng nêu trên thì liên hệ với các tổ chức tín dụng trên địa bàn đế được hướng dẫn tiếp cận vốn vay theo quy định.

- Cử tri huyện Tân Hiệp kiến nghị tỉnh xem xét có chính sách hỗ trợ cho học sinh thuộc hộ cận nghèo được hưởng chế độ như học sinh nghèo hiện nay là 900.000đồng/1 học sinh/năm.

Việc hỗ trợ chi phí học tập trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ, không có quy định hỗ trợ cho học sinh thuộc hộ cận nghèo. Trong điều kiện ngân sách tỉnh còn khó khăn, thì kiến nghị của cử tri là chưa thể thực hiện được.

- Cử tri huyện Kiên Hải kiến nghị UBND tỉnh sớm có biện pháp ngăn chặn việc bán vé tàu chợ đen nhất là mùa hè (mùa du lịch) do lượng khách du lịch tham quan đông nên không có vé buộc người dân phải mua vé chợ đen với giá rất cao.

UBND tỉnh ghi nhận ý kiến phản ánh của cử tri và sẽ chỉ đạo Sở Giao thông vận tải thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

- Cử tri Nguyễn Thanh Hòa, Tổ 4, ấp Hố Bườn, xã Bình Trị, huyện Kiên Lương phản ánh gia đình ông có một chiếc ghe - công suất máy 195 mã lực, do sử dụng lâu máy đã xuống cấp và hư hỏng nên ông đi mua 01 cái máy khác hiệu HINO6-200 mã lực thay máy cũ, nhưng khi đi đăng kiểm - cán bộ đăng kiểm trả lời thay máy nào cũng được ngoài máy hiệu HINO, đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra lại sự việc trên và theo quy định nào.

Theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì “nghiêm cấm việc lắp đặt các loại máy kém chất lượng, máy độ (động cơ ô tô, máy kéo được thủy hóa, các máy tàu không rõ nguồn gốc, xuất xứ) xuống các tàu cá”. Tàu cá của cử tri thay máy hiệu Hino 6, công suất 200 mã lực được xác định là máy độ (máy hiệu Hino 6 là động cơ ô tô) nên theo quy định không được lắp đặt xuống tàu cá. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu công chức, viên chức cần hướng dẫn, giải thích rõ khi người dân đến liên hệ làm việc.

- Cử tri huyện Hòn Đất kiến nghị, hiện nay tất cả các loại tàu đánh bắt thủy hải sản bắt buộc phải có giấy phép khai thác thủy sản, nhưng để có được giấp phép thì bắt buộc tàu phải có trang bị máy giám sát hành trình, đối với tàu cào đôi phải trang bị 02 máy giám sát hành trình, kiến nghị chỉ nên trang bị 01 máy giám sát hành trình là phù hợp.

Theo quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, trong đó có quy định về lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá như sau: Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên phải lắp trước ngày 01/7/2019; đối với tàu làm nghề lưới kéo, câu cá ngừ đại dương có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét phải lắp trước ngày 01/01/2020; tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét phải lắp trước ngày 01/4/2020. Theo các quy định nêu trên thì đơn vị tính là chiều dài tàu, không phân biệt đơn vị khai thác là lưới kéo đôi (cào đôi) hay lưới kéo đơn (cào đơn) và giấy phép khai thác thủy sản là cấp cho từng tàu cá riêng biệt. Như vậy, nếu tàu cá làm nghề lưới kéo đôi (cào đôi) mà chiều dài lớn nhất của tàu từ 15 mét trở lên thì phải lắp đặt 02 thiết bị giám sát hành trình là đúng theo quy định của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP. UBND tỉnh cũng ghi nhận ý kiến phản ánh của cử tri và sẽ tổng hợp, kiến nghị với các Bộ, ngành Trung ương trong thời gian tới.

- Cử tri huyện Châu Thành kiến nghị UBND tỉnh sớm trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về việc phân bổ kinh phí hoạt động cho Trung tâm Văn hóa xã theo Quyết định số 2563/QĐ-BVHTTD ngày 03/8/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để Trung tâm Văn hóa xã có thêm kinh phí hoạt động.

Căn cứ Nghị quyết số 52/2016/NQ-HĐND ngày 13/12/2016 của HĐND tỉnh về việc định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách năm 2017 và giai đoạn ổn định ngân sách 2017-2020 (Mục 1, Điều 25, Chương IV) quy định “chi đảm bảo xã hội, văn hóa thông tin, thể dục thể thao, truyền thanh phân bổ bằng 15% định mức chi công việc đối với từng loại xã (xã loại I: 743 triệu đồng/xã/năm; xã loại II: 675 triệu đồng/xã/năm). Ngoài ra, hàng năm ngân sách tỉnh có bố trí tăng thêm cho ngân sách xã để thực hiện một số nhiệm vụ của cấp xã như: Năm 2018 tăng thêm 100 triệu đồng/xã; năm 2019 tăng chi 10% kinh phí hoạt động thực hiện nhiệm vụ chung của cấp xã.

Do đó, trên cơ sở định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách và hàng năm ngân sách tỉnh bố trí tăng thêm kinh phí để thực hiện một số nhiệm vụ chung của cấp xã. UBND cấp xã căn cứ khả năng tài chính - ngân sách và đặc điểm tình hình ở địa phương xây dựng phương án phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách cấp mình trình HĐND cùng cấp quyết định phân bổ kinh phí hoạt động cho Trung tâm Văn hóa xã đảm bảo phù hợp tình hình thực tế của từng lĩnh vực chi đúng theo quy định của pháp luật về ngân sách.

- Cử tri huyện U Minh Thượng kiến nghị Sở Nội vụ kiểm tra trường hợp em Lý Thị Cẩm Trân thi công chức của ngành Thanh tra tỉnh, đã có thông báo trúng tuyển vào công chức ngành Thanh tra năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định đi làm.

Thực hiện kế hoạch về tuyển dụng công chức năm 2017, với số lượng cần tuyển là 57 người và có 441 người đăng ký dự tuyển, trong đó bà Lý Thị Cẩm Trân đăng ký thi tuyển vào vị trí quản lý thị trường thuộc Phòng Thanh tra – Pháp chế thuộc Chi cục Quản lý thị trường, trực thuộc Sở Công Thương (nay là Cục Quản lý thị trường tỉnh trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương) và đã trúng tuyển công chức, không phải trúng tuyển công chức vào Thanh tra tỉnh như trong kiến nghị của cử tri. Ngày 04/3/2019, UBND tỉnh đã gửi kết quả thi tuyển đề nghị Tổng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương xem xét, quyết định tuyển dụng 02 công chức (trong đó có bà Lý Thị Cẩm Trân) vào làm việc tại Cục Quản lý thị trường tỉnh theo quy định pháp luật.

- Cử tri kiến nghị theo quy định tại Nghị quyết 77/2017/NQ-HĐND thì ở mỗi ấp có 06 chức danh, trong đó có 02 chức danh được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, 04 chức danh còn lại chưa được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, đề nghị tỉnh xem xét hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho các chức danh còn lại; có chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho chức danh Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ, Hội Người cao tuổi.

Ở ấp, khu phố được bố trí 06 người đảm nhiệm 11 chức danh, không phải 06 chức danh như kiến nghị. Theo quy định hiện nay thì có 03 chức danh được hỗ trợ bảo hiểm y tế (Bí thư, Trưởng ấp, Phó Trưởng ấp). Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, nên chưa thể xem xét hỗ trợ cho các chức danh còn lại theo kiến nghị của cử tri.

- Cử tri huyện U Minh Thượng kiến nghị Nghị định 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (có hiệu lực vào ngày 25/6/2019), nếu thực hiện thì số cán bộ dôi dư ra sẽ giải quyết như thế nào, đề nghị tỉnh có hướng dẫn và thông báo cho địa phương, để những người đang hoạt động ở ấp an tâm công tác.

Đến thời điểm này, Bộ Nội vụ chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, do đó UBND tỉnh chưa có hướng dẫn cụ thể cho địa phương.

- Cử tri huyện Vĩnh Thuận kiến nghị UBND tỉnh cần chỉ đạo tăng cường các biện pháp ngăn chặn tình trạng tín dụng đen, xã hội đen hoạt động trên địa bàn, gây hoang mang cho nhân dân.

Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt lực lượng công an thực hiện các giải pháp phòng ngừa, trấn áp tội phạm trong đó có tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Qua rà soát, Công an các đơn vị, địa phương lên danh sách 51 nhóm 349 đối tượng có biểu hiện hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, chủ yếu tập trung ở các địa bàn như thành phố Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc (trong đó 06 nhóm 174 đối tượng là người địa phương, 45 nhóm 175 đối tượng từ địa phương khác đến hoạt động như: Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình...). Riêng trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận phát hiện có 01 nhóm 05 đối tượng từ địa phương khác đến hoạt động ở một số xã của huyện.

Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hành vi “tín dụng đen”, ngày 24/6/2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 109/KH-UBND phân công trách nhiệm cụ thể đối với các sở, ngành chức năng tỉnh thực hiện các giải pháp cụ thể, nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.Theo https://kiengiang.gov.vn

EMC Đã kết nối EMC